THẢM ĐỎ VÀ ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM

 

Sự hào nhoáng, kiểu cách đâu có thể đem lại sức sống cho nền điện ảnh (ảnh: VNexpress)

Ở các sự kiện lớn của giới showbiz nói chung và điện ảnh nói riêng, thảm đỏ luôn là nơi để mọi người được dõi mắt ngóng theo những tên tuổi, khách mời danh giá góp mặt trong sự kiện. Thảm đỏ trở thành điểm nhấn hào nhoáng không thể thiếu cho các sự kiện như thế.

Vừa rồi, tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Việt Nam, các ngôi sao điện ảnh Việt Nam cũng được dịp đua nhau sải bước trên thảm đỏ để khoe sắc trước người hâm mộ cũng như báo giới. Nhìn vào đó, chúng ta có thể thấy các ngôi sao của nước ta hớn hở đến mức nào: cũng đèn flash chớp nháy liên tục, cũng những phong cách làm dáng hết sức chuyên nghiệp để chụp hình, cũng cùng nhau chúc tụng đầy tự tin, cũng thoăn thoắt ký tặng người hâm mộ… Thảm đỏ lần này được cho là được thiết kế rộng rãi hơn và quan cảnh không thua kém các LHP lớn. Tất cả, tất cả đem đến cảm giác như chúng ta đang có một nền điện ảnh phát triển rất mạnh mẽ, bởi khi nhìn vào thì người ta có cảm giác LHP này xôm tụ không kém gì những LHP danh tiếng trên thế giới.

Khác với những hào nhoáng tưng bừng như thế, nhiều “hạt sạn” đã nổi lên trong khâu tổ chức của LHP quốc tế Việt Nam lần này. Một số tờ báo chỉ ra khâu tổ chức còn quá sai sót khiến cho không ít đoàn quốc tế cảm thấy không hài lòng, hay một MC danh tiếng cũng mắc lỗi khi dịch lại lời phát biểu của nam diễn viên Hồng Kông đến tham dự LHP. Với những sai sót trong khâu tổ chức như thế, người ta khó có thể đánh giá cao LHP, quan trọng hơn là nền điện ảnh cũng có thể bị đánh giá tiêu cực theo.

Nhưng rõ ràng là nếu nền điện ảnh của nước nhà bị đánh giá yếu kém thì có lẽ cũng không có gì là quá lời, bởi những gì tồn tại suốt thời gian qua đã là những minh chứng quá rõ ràng. Đó là kịch bản sao chép, diễn xuất nghèo nàn, diễn viên thiếu chuyên nghiệp, dàn dựng sơ sài đến mức nhiều bộ phim bị cho là xem thường khán giả. Mới đây, một bộ phim, của một đạo diễn Việt Kiều, từ chổ được đánh giá cao nhờ kịch bản thì sau đó là sự thất vọng vì quá giống với kịch bản của một xuất phẩm từ Hollywood cách đây gần hai mươi năm. Cũng không hề quá lời nếu xem nền điện ảnh Việt Nam là nền điện ảnh vô cảm khi những sáng tạo nghệ thuật gần như không thấy xuất hiện đáng kể, người làm điện ảnh cũng không cảm nhận được mình cần làm thế nào cho môn nghệ thuật thứ bảy này. Có đạo diễn còn mạnh miệng biện bạch rằng mình chấp nhận làm phim thị trường nên không cần nghệ thuật.

Thực ra, điện ảnh dù có là sản phẩm thị trường thì giá trị thị trường của nó vẫn dựa trên giá trị nghệ thuật, bởi nghệ thuật là giá trị cốt lõi của điện ảnh. Khi những tư duy như thế còn tồn tại, những yếu kém của nền điện ảnh chắc chắn cũng sẽ tồn tại. Khi đó, dù chúng ta có cố gắng tô vẽ lên sự hào nhoáng đến mức nào thì cũng sẽ không che đậy được những yếu kém của nền điện ảnh. Nhưng thực tế cho thấy nền điện ảnh nước nhà dường như chỉ mới tập trung vào việc cố tạo ra những tô vẽ như thể, cố học cách tổ chức những sự kiện đình đám để các diễn viên khoe sắc hơn là tìm kiếm một chiến lược phát triển cần thiết. Trong khi đó, việc biến những tấm thảm đỏ hay những người đi trên đó trở nên hào nhoáng hơn thì rất dễ, còn việc hình thành một chiến lược phát triển lại rất khó. Hình như nhiều người đang cố nghĩ rằng chỉ cần thảm đỏ hào nhoáng thì nền điện ảnh sẽ được đánh giá cao. Suy nghĩ như thế sẽ là rất đáng buồn và sẽ chỉ dìm nền điện ảnh nước nhà xuống vũng lầy sâu hơn.

Ngô Minh Trí

 

Giới thiệu Ngô Minh Trí
Ngô Minh Trí Saigon - Vietnam

3 Responses to THẢM ĐỎ VÀ ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM

  1. Mời bà con vô blog Chú Tư Ngố đọc tin tức có cập nhật nhiều lần trong ngày đêêêê… không cần phải trèo tường đêêêê… Mại dzô! Mại dzô!

  2. Pingback: TIN & BÀI của NGÀY 28-10-2010 « Ngoclinhvugia's Blog

  3. bongma says:

    http://movie.vietboom.com/tin-dien-anh/viet-nam/
    đọc tin 1 hồi thì chỉ thấy mỗi diễn viên đẹp thôi

Bình luận về bài viết này