TRUNG QUỐC VẪY VÙNG TRONG CƠN MỘNG BIỂN CẢ

Cơn mộng về một ngày Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được thỏa chí tung hoành nơi biển cả đang đeo bám Bắc Kinh (ảnh: Reuters)

Mới đây, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hongkong) đã đăng một bài viết có tên “Tiêu chuẩn kép” của tác giả Greg Torode, trưởng ban Á châu của báo. Bài viết đặt ra một kịch bản rằng nếu như Nhật Bản không phải bắt giữ thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng của tàu cá Mân Tấn 5179, đã va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản trên biển Hoa Đông, mà là bắt giữ hàng trăm ngư dân. Trong số đó, người thì bị lật đổ thuyền, người thì bị tịch thu hết ngư cụ, và thân nhân của những người này phải chi ra hàng nghìn đô la Mỹ để “chuộc” người. Khi đó, Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao?

Kịch bản trên được tác giả đưa cho một sinh viên Trung Quốc và phản ứng của bạn sinh viên đó là: “Tôi không dám tưởng tượng hậu quả” và khi đó “tôi không tin là có người dân Nhật Bản nào có thể sống an toàn trên đất Trung Quốc”. Nhưng bạn sinh viên kia đâu biết rằng kịch bản đó hoàn toàn có thật khi Trung Quốc bắt giữ các tàu cá của ngư dân Việt Nam tại vùng biển mà họ gọi là vùng đặc quyền kinh tế của họ. Có thế mới thấy, trong khi Trung Quốc không ngừng  gia tăng sức ép để Nhật thả thuyền trường Chiêm Kỳ Hùng và kịch liệt phản đối hành động bắt giữ, thì chính Trung Quốc cũng đã thực hiện hành vi trên đối với ngư dân các nước khác.

Không quá khó để giải thích lý do tại sao Trung Quốc lại có một “tiêu chuẩn kép” như thế trong việc hành xử các vấn đề về chủ quyền trên biển. Trung Quốc đang có tham vọng trở thành một siêu cường, nên việc mở rộng ảnh hưởng trên biển là tối quan trọng, chỉ có biển cả mới giúp họ nới rộng ảnh hưởng lên khắp nơi.

Tiếc thay, từ xưa đến nay, Trung Quốc tuy có hơn một số nước trong châu lục về ảnh hưởng trên biển nhưng so với các cường quốc lâu đời thì họ kém xa. Ngày trước, các cường quốc như Anh, Pháp, Tây Ban Nha đều thông qua con đường hàng hải để thực hiện những đợt phát kiến địa lý rầm rộ và rồi thâu tóm thuộc địa. Sau này là Mỹ, Nhật cũng không ngừng phát triển ảnh hưởng trên biển. Nhưng trong suốt lịch sử hàng hải, thì Trung Quốc chỉ nổi bật nhất với thành tích của đô đốc Trịnh Hòa, vốn là một thái giám sống vào thời nhà Minh, Trung Quốc. Thành tích hàng hải của đô đốc Trịnh Hòa khi đó cũng chỉ mới giúp cho Trung Quốc mở rộng giao thương chứ chưa có được kết quả nào trong việc tăng cường ảnh hưởng trên biển.

Lịch sử đó khiến cho Trung Quốc không lấy gì làm hài lòng, bởi bao lâu nay Trung Quốc vẫn luôn muốn vươn dậy trở thành siêu cường có sức ảnh hưởng toàn cầu. Nói một cách khác, Trung Quốc thiếu hẳn một nền tảng cần thiết trên biển để trở thành siêu cường. Cho nên, giờ đây khi Trung Quốc đang tăng trưởng vượt bật về kinh tế thì việc mở rộng ảnh hưởng trên biển trở thành cơn mộng đeo bám theo họ trong giấc mơ về một ngày sẽ trở thành siêu cường. Khi cơn mộng còn đeo bám, chắc chắn Trung Quốc sẽ còn “vẫy vùng” bằng nhiều hành xử có thể rất trái ngược nhau chỉ để đạt được ý nguyện.

Một lần nữa lại phải dùng từ “tiếc thay”, bởi cơn mộng kia rất khó thành hiện thực. Tại sao cơn mộng khó thành hiện thực? Đơn giản là bối cảnh hiện tại không cho phép Trung Quốc tự do bành trướng trên biển theo như mình mong muốn. Đầu tiên là địa lý khu vực. Ở khu Đông Bắc Á, Trung Quốc có các đối trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc, còn ở phía Đông Nam Á thì có khối ASEAN. Rồi những va vấp với “anh em một nhà” Đài Loan. Xa hơn còn có Úc, vốn cũng là một thế lực ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nước này đã công khai một chương trình phát triển hải quân trị giá nhiều chục tỷ USD, vào năm ngoái, khiến cho Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích. Một thực tế khác là nếu đem so kè hải quân Trung Quốc và Nhật Bản thì chưa biết ai hơn ai.  Nên dẫu Trung Quốc có mạnh đến đâu cũng khó có thể dám tạo ra một va chạm toàn diện với cả hai khu vực trên để mở rộng ảnh hưởng trên biển của mình. Khối ASEAN cũng ngày càng gắn kết nhiều hơn và nhận thực được giá trị của việc liên kết cùng nhau. Bằng chứng là Malaysia và Việt Nam đã cùng nhau đệ trình hồ sơ chủ quyền trên biển Đông.

Chính vì vậy, nếu nhìn theo hướng ngược lại thì Trung Quốc đang nằm trong vị trí bị kèm cặp bởi vô số đối trọng. Gần đây, Trung Quốc lại chủ động thúc đẩy sự va chạm với hầu hết các đối trọng bởi họ nghĩ với thế mạnh kinh tế đang lên thì đây là cơ hội. Nhưng khi ở giữa vô số đối trọng đó, họ càng vẫy vùng thì càng làm cho các đối trọng xiết chặt hơn. Một hệ quả không mong muốn khác chính là tạo lý do cho các đối trọng trong khu vực của Trung Quốc tìm đến những thế lực bên ngoài để đảm bảo hơn nữa cho sự cân bằng. Thế nên, Hoa Kỳ có cái cớ hoàn toàn hợp lý để xuất hiện trong khu vực như một cái chân kiềng thứ ba.

Với tất cả những điều đó, cách vẫy vùng hiện tại của Trung Quốc sẽ chỉ khiến họ va chạm nhiều hơn.

Ngô Minh Trí

NHẬT – TRUNG VÀ CÂU CHUYỆN ỨNG XỬ

Tàu cá Mân Tấn 5179 của Trung Quốc đã va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản trên biển Hoa Đông hôm 07.09.2010 (ảnh: China Daily)

Căng thẳng Trung – Nhật tiếp tục nóng lên  xoay quanh vụ va chạm trên biển Hoa Đông. Trung Quốc càng lúc càng gia tăng sức ep và Nhật Bản không tỏ dấu hiệu nhượng bộ nào và dường như họ đang nắm thế chủ động trước những diễn tiến của vụ việc.

Bất chấp những áp lực không ngừng từ Bắc Kinh, chẳng hạn Bắc Kinh hơn sáu lần triệu tập đại sứ Nhật Bản đến làm việc, kể cả vào giữa lúc đêm khuya. Hôm chủ nhật, Tokyo bất ngờ tuyên bố gia tăng thời gian tạm giữ Chiêm Kỳ Hùng, (thuyền trưởng tàu cá Mân Tấn 5179 của Trung Quốc đã va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản trên biển Hoa Đông), thêm mười ngày, tức thời hạn tạm giữ sẽ đến ngày 29.09.2010. Phản ứng trước quyết định này của Nhật Bản, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ thực hiện các “biện pháp đối phó mạnh mẽ”, và Bắc Kinh nói rằng họ sẽ tạm ngừng các liên lạc song phương cấp cao giữa hai bên.

Tuy Tokyo cho biết họ chưa nhận được thông báo chính thức từ Bắc Kinh về việc tạm ngừng trên, nhưng họ tỏ ra không quá nặng nề nếu có thông báo trên khi họ chủ động cho biết thủ tướng Nhật Bản chưa có ý định gặp gỡ riêng người đồng nhiệm Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc sắp đến tại New York. Phía Trung Quốc cũng cho rằng không thích hợp để thủ tướng Ôn Gia Bảo gặp người đồng nhiệm Nhật Bản tại New York.

Ngoài ra, Nhật Bản không ngừng khẳng định việc gia hạn thời gian tạm giữ thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng chỉ nhằm phục vụ công tác điều tra chứ không liên quan đến vấn đề chủ quyền. Tân bộ trưởng ngoại giao Nhật Seiji Maehara cho biết “vấn đề chủ quyền không tồn tại ở đây”. Ngược lại, các nhà phân tích nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại cho rằng nhà cầm quyền Nhật Bản đang thiết lập một tiền lệ để khẳng định chủ quyền của mình tại vùng biển Hoa Đông. Wang Xiangsui, giám đốc Trung tâm chiến lược an ninh tại Đại học hàng không và vũ trụ Bắc Kinh, cho rằng: “Nhật Bản đang cố gắng làm cho Trung Quốc phải chuốt trái đắng. Họ muốn Trung Quốc chấp nhận sự thật rằng họ đang kiểm soát các đảo”.

Nhật Bản đã thể hiện một sự bình tĩnh và cứng rắn rất rõ ràng trong những động thái trên, họ đã chủ động đáp trả một cách khéo léo những phản ứng từ phía Trung Quốc. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshito Shengoku cho biết Tokyo sẽ thuyết phục Bắc Kinh hiểu về cách hoạt động của hệ thống tư pháp Nhật Bản, tức ông muốn nói rằng Nhật Bản đang hành xử đúng theo pháp luật của họ và phản ứng của Trung Quốc chỉ là vì chưa hiểu hệ thống tư pháp Nhật Bản. Mặt khác, bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa nhắc nhở về tính khách quan của vấn đề khi nói rằng liệu người dân và chính quyền Trung Quốc có nhận được những thông tin đúng về vụ va chạm. Có lẽ, ông Toshimi Kitazawa muốn nói rằng Trung Quốc hành xử như thế là chưa khách quan và chưa nắm rõ thông tin của vụ việc.

Sự bình tĩnh còn thể hiện rất rõ khi Nhật Bản tố cáo Trung Quốc đã âm thầm chuyển các thiết bị đến mỏ khí thiên nhiên Shirakaba (Trung Quốc gọi đó là Xuân Hiếu). Nhật Bản cho rằng họ tạm thời đồng ý với giải thích của Trung Quốc là việc chuyển các thiết bị chỉ để phục vụ công tác sửa chữa. Nhưng Nhật bản tuyên bố họ sẽ theo dõi sít sao. Nếu Trung Quốc tiến hành khai thác khí đốt tại Shirakaba thì Nhật Bản sẽ làm điều tương tự và họ sẽ còn kiện Trung Quốc ra Tóa án biển quốc tế. Bởi nếu Trung Quốc tự ý khai thác thì đã vi phạm cam kết giữa hai quốc gia về việc cùng khai thác mỏ khí đốt trên. Xem ra, Nhật Bản đang khéo léo chứng minh họ đã ứng xử các vấn đề theo đúng những gì họ đã cam kết.

Trong khi đó, Trung Quốc hình như đang lúng túng trong các biện pháp đáp trả. Vừa rồi, Bắc Kinh đã hủy các chuyến du lịch đến Nhật Bản của hơn 10.000 du khách Trung Quốc, để làm điều mà họ cho là “giữ đúng thể diện quốc gia”. Việc hủy này có thể làm thiệt hại cho ngành du lịch Nhật Bản nhưng nó cũng tác động đến chính Trung Quốc vì những chuyến du lịch này đã được lên kế hoạch từ cách đây hơn một năm. Biện pháp này của Trung Quốc xem ra cũng không đủ sức làm cho Nhật Bản phải nhún nhường. Bởi bộ trưởng đất đai, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng và du lịch Nhật Bản Sumio Mabuchi cho biết ông sẽ không gặp gỡ phó tổng cục trưởng tổng cục du lịch Trung Quốc, bên lề hội nghị bộ trưởng du lịch của tổ chức Hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương.

Mới đây nhất, Bắc Kinh lại quyết định ngưng chuyến tham quan triển lãm World Expo Thượng Hải của 1000 bạn trẻ Nhật Bản. Đây là chương trình được đề ra, trong cuộc gặp giữa thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Yukio Hatoyama với thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, nhằm mở rộng giao lưu văn hóa. Trước quyết định trên, Tokyo chỉ bày tỏ sự hối tiếc và nhắc nhở rằng: “Trong khi những cuộc trao đổi giữa những người trẻ góp phần vào việc thiết lập cơ sở cho mối quan hệ song phương ổn định, nó khá phù hợp nhưng đáng tiếc cho phía Trung Quốc đã thực hiện một quyết định như thế trước khi (nhóm Nhật Bản) khởi hành”. Xa hơn, Nhật Bản còn cảnh báo Trung Quốc về việc những hành xử trên của Trung Quốc có thể làm dâng cao phong trào chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vốn rất dễ gây nguy hại trong quan hệ song phương.

Nhìn lại tất cả các diễn tiến trên cùng cách hành xử của hai bên. Chúng ta có thể thấy Tokyo bình tĩnh hành xử các vấn đề và thể hiện những dẫn giải rõ ràng, trong khi Bắc Kinh lại có vẻ vội vàng đưa ra những quyết định được xem là mạnh tay. Theo đó, Nhật Bản không chỉ không nhún nhường mà còn sẵn sàng chấp nhận những phản ứng từ phía Trung Quốc, dù những phản ứng đó mạnh mẽ đến mức nào. Trung Quốc xem ra không còn nhiều biện pháp hơn nữa để đáp trả trước sự bình tĩnh của người Nhật. Khi Bắc Kinh phải chịu bế tắc thì đây chính là một ví dụ minh chứng cho điều mà người ta vẫn thường nói đó là “mềm nắn rắn buông”.

Ngô Minh Trí Bình luận đăng trên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn 23.09.2010

NHẬT BẢN: TẬP TRUNG VỰC DẬY NỀN KINH TẾ

Nội các mới của thủ tướng Naoto Kan ra mắt ngày 17.09.2010 (ảnh: Reuters)

Sau chiến thắng, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã ra mắt nội các mới với kỳ vọng sẽ đủ sức lèo lái đất nước hoa anh đào vượt qua khó khăn về kinh tế.

Nội các mới với năm gương mặt cũ và 12 người mới mà theo Thủ tướng Nhật là “một đội ngũ tốt”. Đáng chú ý trong số các vị trí mới, có người đứng đầu các bộ: tư pháp, thương mại, giáo dục, y tế, nông nghiệp, các vấn đề về tiêu dùng. Việc giữ nguyên ông Yoshihiko Noda ở bộ Tài chính cho thấy Tokyo sẽ không có nhiều thay đổi về chính sách tài chính trong thời điểm đồng yen đang gây nhiều khó khăn.

Ngay sau khi nội các mới ra mắt, tờ Yumiori chỉ ra vấn đề mà chính phủ mới cần tập trung: vực dậy nền kinh tế của Nhật Bản. Tờ Yumiori đánh giá việc ông Kan dự định sẽ bổ sung thêm ngân sách, kèm theo giải pháp tiếp sức cho các công ty tư nhân, là một quyết định hợp lý trong tình hình triển vọng kinh tế không chắc chắn. Có nhiều ý kiến ủng hộ cho việc ông Kan dự định dành ngân sách cho tài chính sắp tới sẽ lên đến 96 ngàn tỉ yen, cao hơn so với con số 92,3 ngàn tỉ của năm tài chính hiện tại. Những ý kiến ủng hộ cho rằng nếu cần kích thích nền kinh tế thì phải tăng cường chi tiêu để tạo ra việc làm. Mới đây, cả ông Naoto Kan lẫn bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda đều tuyên bố rằng chính phủ sẵn sàng can thiệp nhằm tiếp tục hạ nhiệt đồng yen.

Trên tờ The Japan Times, hai chuyên gia kinh tế là Jun Tsukasa, nhà phân tích cao cấp của công ty chứng khoán Nikko Cordial, và Mitsuru Saito, kinh tế gia trưởng của công ty chứng khoán Tokai Tokyo, phân tích về các giải pháp do chính phủ đưa ra. Ông Tsukasa nói rằng việc nới lỏng các quy định và cắt giảm thuế mới đủ sức giúp các doanh nghiệp Nhật giữ lại các nhà máy của họ ở nội địa nhằm tạo ra việc làm mà vẫn cạnh tranh được. Chuyên gia Saito thì cho rằng các biện pháp trợ cấp cho người tiêu dùng mua sản phẩm thân thiện môi trường hay hỗ trợ tài chính cho các công ty tạo ra việc làm, mà chính phủ thực hiện, sẽ không bền vững. Ông cho rằng sẽ hiệu quả hơn nếu sử dụng chính sách thúc đẩy tạo ra các thị trường mới bằng cách tận dụng những trình độ sản xuất công nghệ cao của Nhật Bản. Nói đơn giản, thì ý kiến của hai chuyên gia trên cho rằng chính phủ tập trung tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế thì hiệu quả hơn là kích thích tiêu dùng từ người dân. Khi đó, sự tăng trưởng của các doanh nghiệp sẽ giúp kinh tế tăng trưởng và việc làm sẽ được tạo ra. Hai chuyên gia cũng nghi ngờ khả năng thực hiện kế hoạch đầu tư 123 ngàn tỉ yen trong một chính sách dài hạn mười năm bằng cách thúc đẩy các doanh nghiệp liên quan đến môi trường, chăm sóc y tế, du lịch để tạo ra 5 triệu việc làm khi đảng đối lập đang kiểm soát thượng viện.

Ngô Minh Trí (tổng hợp) – đăng trên SGTT

NHẬT BẢN: ĐƠN PHƯƠNG HẠ NHIỆT ĐỒNG YEN

Phiên giao dịch ngày 16.9, thị trường chứng khoán châu Á giảm, trừ Nhật Bản (ảnh: Reuters)

Chỉ một ngày sau khi giữ được ghế thủ tướng, chính quyền của ông Naoto Kan đã chính thức thực hiện các biện pháp nhằm chặn đà tăng giá của đồng yen. Nhưng liệu sự can thiệp đó có đủ hiệu quả và có tạo nên một làn sóng “bảo hộ” tiền tệ.

Tháng 3.2004, Nhật Bản đã bán ra tổng cộng 35 ngàn tỉ yen (tương đương khoản 320 tỉ USD tính theo tỷ giá 109 yen ăn 1 USD của lúc bấy giờ) để chặn đà tăng giá của đồng yen cũng như hạn chế tình trạng giảm phát đang đe doạ nền kinh tế Nhật Bản lúc bấy giờ. Từ đó đến nay, Nhật Bản cố gắng thực hiện theo thoả thuận với các thành viên của nhóm G7 là tránh can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Từ tháng ba năm 2010 đến nay, đồng yen đã tăng giá hơn 11% làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu Nhật Bản trong lúc quá trình phục hồi của nền kinh tế vẫn còn lắm bấp bênh. Hai tháng qua, chính quyền của ông Naoto Kan vẫn cố tránh né một động thái can thiệp lên thị trường tiền tệ. Trước áp lực từ nhiều phía, ông Naoto Kan đã phải chính thức can thiệp vào thị trường tiền tệ để hạ nhiệt đồng yen. Thứ tư vừa rồi, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda cho biết chính phủ sẽ can thiệp vào thị trường bằng cách bán yen vào thị trường tiền tệ nhằm hạ giá đồng yen. Giá trị chính xác lượng yen mà ngân hàng Trung ương Nhật Bản bán ra thị trường là bao nhiêu, nhưng theo nhiều nguồn tin thì con số nằm ở mức khoảng hai ngàn tỉ yen (tương đương 23 tỉ USD). Nhờ đó, đồng yen đã giảm giá và lần đầu tiên vượt qua mốc 85 yen đổi 1 USD trong vòng hai tuần qua.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt ra dấu hỏi liệu sự can thiệp này có tạo ra một thay đổi đủ lớn hay không. Năm 2004, Nhật Bản đã bơm vào thị trường đến 35 ngàn tỉ yen nhưng vẫn không có nhiều thay đổi. Trong khi đó, thị trường lưu chuyển USD – yen hiện nay đã tăng 70% so với năm 2004 và giá trị đã lên đến 568 tỉ USD mỗi ngày. Việc chính quyền Nhật Bản thừa nhận đây là một hành động đơn phương, tuy bộ trưởng Tài chính Nhật cho biết đã có sự tham khảo với các nước Mỹ và châu Âu, nhưng nhiều người cũng lo ngại rằng việc tự hành động đơn phương sẽ khó có hiệu quả với một thị trường tiền tệ có giá trị quá lớn như hiện nay. Ông Denis Gould, giám đốc điều hành AXA Investment tại Nhật và châu Á, cho rằng: “Để tạo ra sự thay đổi, cần phải có sự can thiệp từ Mỹ, cũng như Trung Quốc”. Tức ông Gould cho rằng cần có sự can thiệp có tính phối hợp với Mỹ và Trung Quốc trong một thị trường tiền tệ lớn như hiện nay. Nhưng, ông Gould cũng đặt ra vấn đề rằng: “Không ai sẽ cùng tham gia vào một hành động phối hợp, bởi không ai muốn tiền tệ của mình tăng giá. Khắp nơi trên thế giới đều đang đối mặt với vấn đề tăng trưởng”.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng Nhật Bản có thể sẽ đối mặt với chỉ trích từ các thành viên của nhóm G7, Nhật Bản là một thành viên của nhóm này, bởi nhóm này gần như đã cam kết với nhau rằng sẽ chỉ can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ khi xảy ra tình trạng đáng báo động, ví dụ như trong các trường hợp bị các nhóm đầu cơ tấn công. Sự tăng giá của đồng yen gần đây không được xem nằm trong trường hợp đó. Xa hơn, nhiều chuyên gia lo ngại hành động đơn phương này cũng kích hoạt một thời kỳ các quốc gia can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ chỉ vì lợi ích cho mình.

Ngô Minh Trí (tổng hợp)đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị

ĐÂU CHỈ BIỂN HOA ĐÔNG NỔI SÓNG

Tàu chiến Trung Quốc trên vùng biển Hoa Đông (ảnh: Nhân dân nhật báo - Trung Quốc)

Vụ đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông đang khiến cho cả thế giới phải chú ý. Bên cạnh vụ việc đang nổi trội này, Trung – Nhật cũng đang kèn cựa nhau nhiều vấn đề khác trong kinh tế, thương mại.

Ngày 7-9-2010, một tàu đánh cá của Trung Quốc đã va chạm với hai tàu tuần tra của Nhật Bản tại khu vực mà cả Nhật và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Đó là cụm đảo do Nhật quản lý, được người Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc thì gọi là Điếu Ngư.

Với lý do tàu cá Trung Quốc cản trở người thi hành công vụ, phía Nhật Bản đã bắt giữ thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc để điều tra. Sự việc đã nhanh chóng tạo nên một tâm điểm thu hút cả thế giới, bởi Trung Quốc sử dụng nhiều biện pháp ngoại giao cứng rắn để yêu cầu phía Nhật Bản thả tàu cá.

Trung Quốc đã tuyên bố tạm hoãn vòng hai của cuộc đàm phán giữa hai bên, dự kiến được tổ chức vào giữa tháng 9 này, về hợp tác thăm dò và khai thác khí đốt ở biển Hoa Đông.

Đến ngày 13-9-2010, Nhật Bản cho hồi hương 14 ngư dân trên tàu cá Trung Quốc nhưng vẫn tạm giữ thuyền trưởng để tiếp tục điều tra. Tuy vậy, căng thẳng giữa hai bên vẫn chưa có dấu hiệu giảm đi đáng kể, ngược lại những tranh luận không ngừng về các vấn đề khác thì lại tiếp tục tăng lên.

Ngay trong lúc Trung Quốc gia tăng áp lực, Nhật Bản đã công bố báo cáo quốc phòng hàng năm, trong đó Nhật Bản không ngại chỉ trích việc Trung Quốc tăng cường chi tiêu quân sự và cho rằng Bắc Kinh đã thiếu minh bạch trong chính sách quốc phòng.

Kèm theo sự chỉ trích Bắc Kinh, báo cáo này kêu gọi tiếp tục thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và cảnh báo việc di dời căn cứ Futenma của Mỹ trên đảo Okinawa có thể làm giảm đi khả năng phản ứng của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại Đông Á khi cần. Báo cáo trên nhấn mạnh đến sự cần thiết của lực lượng Mỹ khi mà Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự trong khu vực.

Không riêng gì vấn đề quân sự, quốc phòng, mà hai bên ngày càng có nhiều bất đồng trong các hợp tác kinh tế, thương mại. Tại hội nghị Đối thoại kinh tế cấp cao Nhật – Trung diễn ra vào cuối tháng trước tại Bắc Kinh, hai bên đã không ngừng tranh luận gay gắt với nhau nhiều vấn đề.

Bắc Kinh đã chỉ trích các doanh nghiệp Nhật Bản trả lương quá thấp cho công nhân Trung Quốc tại các nhà máy của các doanh nghiệp Nhật Bản và cho rằng đó là nguyên nhân gây ra nhiều cuộc phản đối của công nhân nước này trong thời gian qua.

Ngược lại, Nhật Bản đã chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch trong chính sách lao động và cáo buộc chính phủ Bắc Kinh đã đứng sau những cuộc chống đối của công nhân nhằm gây áp lực đòi tăng lương. Nhật Bản còn cho rằng Trung Quốc đã đẩy quả bóng trách nhiệm an sinh xã hội về phía các đối tác Nhật Bản.

Không chỉ thế, Nhật Bản còn chỉ trích cả việc Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu các nguồn tài nguyên khoáng sản đất hiếm, vốn cần thiết cho nhiều ngành sản xuất của Nhật, làm “ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất toàn cầu”.

Mới đây, Trung Quốc lại thông qua một quy định mới giúp gia tăng quyền yêu cầu tăng lương của công nhân, điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng có thể làm cho mức lương có thể phải tăng đến 70%. Tokyo lại tiếp tục chỉ trích và cho rằng đó là những chính sách “không thể tưởng tượng” nổi.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đã lên tiếng cho rằng nếu không khéo léo thì Trung Quốc sẽ mất các nhà đầu tư nước ngoài, dù cho thị trường nước này hấp dẫn đến đâu. Tokyo cũng chỉ trích cả các chính sách bảo hộ cho các doanh nghiệp trong nước làm cho các doanh nghiệp nước ngoài khó có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng.

Căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh lại còn tăng cao hơn nữa khi Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda đặt nghi vấn về việc Trung Quốc tăng cường mua trái phiếu Nhật Bản, một trong những nguyên nhân khiến cho đồng yen tăng giá mạnh trong thời gian gần đây. Tại thời điểm này, đồng yen đã tăng lên đến mức đỉnh của 15 năm qua, 1 đô la Mỹ chỉ còn ăn được khoảng 84 yen, và điều đó gây bất lợi cho các công ty của Nhật trên thị trường thế giới.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đồng yen tăng giá là do giới đầu tư bên ngoài mua các tài sản, trái phiếu chính phủ, đồng yen và cả các công cụ thị trường tài chính khác… lên đến 5.500 tỉ yen (tương đương 65 tỉ đô la Mỹ), trong đó Trung Quốc mua nhiều nhất. Trung Quốc đã mua vào một lượng đồng yen, trái phiếu chính phủ và nhiều loại khác có giá trị lên đến 27 tỉ đô la Mỹ, bằng sáu lần giá trị mà Trung Quốc mua năm năm trước đó. Chỉ riêng trong tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã mua số đồng yen trị giá đến 7 tỉ đô la Mỹ.

Vì thế, ông Noda đặt câu hỏi về ý định thực sự của Trung Quốc phía sau những thương vụ đó, phải chăng đây là thủ đoạn đẩy giá đồng yen lên cao nhằm hỗ trợ cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc? “Trong khi Trung Quốc có thể mua trái phiếu của Chính phủ Nhật Bản, thì ngược lại Nhật Bản lại không được mua trái phiếu chính phủ Trung Quốc như một loại dự trữ ngoại tệ. Tôi cảm thấy đó là không tự nhiên”, ông Noda nói.

Rõ ràng, giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang tồn tại vô số bất đồng ở hầu hết các khía cạnh từ kinh tế đến quân sự, quốc phòng cũng như các vấn đề về chủ quyền. Điều này có thể báo hiệu một thời kỳ sóng gió ở cả khu vực Đông Á chứ không chỉ riêng gì vùng biển Hoa Đông mà hai bên đang tranh chấp.

Ngô Minh Trí bình luận đăng trên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn 16.09.2010

BÁNH TRUNG THU VÀ THÓI QUEN LÀM NHÁI

Kinh Đô: một trong những thương hiệu bị "làm nhái" khá nhiều (ảnh: website công ty Kinh Đô)

Đến hẹn lại lên, những điểm bán bánh trung thu luôn xuất hiện khá sớm trên đường phố Sài Gòn. Và rồi năm nào cũng như năm nào, xuất hiện kèm theo các điểm kinh doanh bánh trung thu chính là tình trạng “copy” thương hiệu bằng các loại bánh nhái, có nhãn mác từa tựa các thương hiệu lớn.

Nhiều năm trước, khi tình trạng nhái thương hiệu còn khá mới mẻ thì người tiêu dùng còn bỡ ngỡ, bị lừa. Nhưng lâu ngày thành quen, nay có lẽ khách hàng không còn xa lạ gì với kiểu nhái, giả như thế nữa. Cứ thế, các loại bánh nhái vẫn tồn tại và chúng cạnh tranh nhờ giá cả rẻ hơn so với các loại bánh “chính hãng”.

Ai cũng hiểu bất cứ mặt hàng nào cũng luôn cần những sản phẩm giá rẻ để đáp ứng nhu cầu của đối tượng khách hàng không có nhiều tiền. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chỉ biết bán rẻ và nương theo các thương hiệu danh tiếng.

Việc nhái thương hiệu rõ ràng không thể chấp nhận được với bất cứ lý do gì. Bởi để có được một thương hiệu mạnh, các doanh nghiệp đã phải đầu tư lâu dài về tiền bạc lẫn công sức, trí tuệ. Hơn thế, việc nhái thương hiệu vẫn là một dấu hiệu kinh doanh có tính chất lừa đảo người tiêu dùng.

Trong số nhóm thương hiệu “nhái”, có cả những thương hiệu có thâm niên lâu năm mà ai cũng biết. Tại sao những đơn vị này không ý thức mình phải tự xây dựng và phát triển thương hiệu thay vì cứ phải nhái từ năm này qua năm kia. Lẽ ra khoảng thời gian nhiều năm vừa qua đã đủ để các đơn vị nhỏ này có thể xây dựng cho mình một thương hiệu mạnh bằng ưu thế giá rẻ. Nhưng họ vẫn không làm thế mà chỉ chăm chăm vào việc bắt chước và đánh cắp sự sáng tạo cũng như thành quả của người khác.

Nếu các doanh nghiệp này cứ giữ mãi tư duy chỉ biết làm nhái thì làm sao có một hoạt động kinh doanh lành mạnh, tiếc hơn là họ đã vô tình tự hủy hoại công sức của mình. Bằng chứng là dù những thương hiệu này đã có nhiều người biết, nhưng họ vẫn mãi bị xem như một thương hiệu thiếu đẳng cấp. Như thế, vô tình những thương hiệu này đã tự làm giảm giá trị của mình, dù thực tế cho thấy họ đủ thực lực để có riêng một thương hiệu bài bản.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, lẽ ra các cơ quan này phải làm việc triệt để hơn trong việc bảo vệ thương hiệu cho những đơn vị kinh doanh chân chính. Dẫu rằng rất khó có thể kiểm soát toàn bộ những người kinh doanh, nhưng không hề khó để những thương hiệu nhái không còn vô tư xuất hiện nhan nhản khắp nơi.

Sự tồn tại ngang nhiên của các thương hiệu nhái là một hình ảnh rất xấu đối với môi trường kinh doanh. Xa hơn, thói quen nhái, giả sẽ đe dọa nền kinh tế và sức cạnh tranh của một quốc gia.

Ngô Minh Trí ý kiến đăng trên Tuổi Trẻ

BẤT HÒA KHÓ GIẢI

Ông Jones (phải) đứng cạnh ông Musri, đại diện cho người Hồi giáo ở Florida, và tuyên bố chưa tổ chức đốt kinh Koran - Ảnh: AP

Cách đây chín năm, sự kiện 11-9 đã trở thành nguyên nhân châm ngòi cho cuộc chiến tranh ở Afghanishtan mà người Mỹ đang có dấu hiệu sa lầy. Nhưng có lẽ, việc rút khỏi bãi lầy Afghanishtan sẽ dễ dàng hơn nhiều việc hòa giải nỗi bất hòa trong lòng nước Mỹ do sự kiện 11-9 gây ra.

Theo thông tin mới nhất, mục sư Terry Jones của nhà thờ Dove World Outreach Center, tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, đã hoãn ý định đốt cháy quyển kinh Koran vào ngày tưởng niệm 11-9 năm nay. Trước đó, chính quyền Washington từ tổng thống Obama đến các quan chức đều đã lên tiếng kêu gọi nhà thờ không thực hiện kế hoạch trên, ngoại trưởng Hillary Clinton gọi ý định trên là “đáng hổ thẹn”. Các tướng lĩnh Mỹ lẫn NATO cũng ra sức lên tiếng ngăn cản, vì lo ngại việc đốt kinh Koran của phía nhà thờ có thể khiến cho cộng đồng Hồi giáo giận dữ và họ sẽ trút giận lên các binh lính Mỹ còn đang đồn trú tại Iraq và Afghanishtan. Tất cả những lo lắng chỉ có thể thốt lên bằng lời chứ Hoa Kỳ khó có thể ban hành một lệnh cấm đốt kinh Koran, bởi Hoa Kỳ vẫn luôn đề cao nguyên tắc tự do tôn giáo.

Thực sự, lo lắng của chính quyền Washington là hoàn toàn dễ hiểu. Bởi, từ bao lâu nay, Washington luôn ra sức khẳng định rằng hai cuộc chiến Afghanishtan và Iraq đều là những cuộc chiến tranh chống khủng bố, chống lại những người Hồi giáo cực đoan, chứ không phải là một cuộc xung đột tôn giáo. Ngược lại, các lực lượng kháng chiến đối nghịch tại hai chiến trường trên lại mãi cáo buộc Mỹ đã thực hiện chiến tranh để chống lại người Hồi giáo và họ gọi cuộc kháng chiến của họ là “thánh chiến”. Vì thế, Hoa Kỳ cần phải cố khỏa lấp đi những bất đồng về tôn giáo. Có lúc, Washington còn chứng minh rằng mình là người bạn của Hồi giáo, với bằng chứng là Hoa Kỳ và đồng minh NATO từng tiến hành tấn công Nam Tư vào năm 1999 để bảo vệ những người Hồi giáo bị chính quyền ông Milosevic đàn áp.

Chính vì thế, nếu kinh Koran thực sự bị đốt trong lễ tưởng niệm 11-9 năm nay, thì chẳng khác nào cho thấy một cuộc thù hèn tôn giáo đang tồn tại trong lòng nước Mỹ. Điều này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến những gì người Mỹ tuyên truyền.

Nhưng, dù kinh Koran không bị đốt thì dường như có một sự bất đồng giữa phương Tây và Hồi giáo kể từ sau sự kiện 11-9. Bởi để mục sư Terry Jones  ngưng đốt kinh Koran thì đổi lại giới Hồi giáo tại Mỹ phải di dời công trình thánh đường Hồi giáo dự định xây dựng trên vùng đất Ground Zero, vốn là nơi tòa tháp đôi WTC từng đổ sụp. Vào tháng trước, việc có rất nhiều ý kiến phản đối xây dựng thánh đường Hồi giáo ở khu vực Ground Zero, nơi tòa tháp đôi WTC bị sụp đổ, đã cho thấy những căm giận của người phương Tây đối với thế giới Hồi giáo vẫn còn đó. Về sự kiện xây dựng thánh đường Hồi giáo ở khu Ground Zero, một khảo sát của tạp chí TIME cho thấy có đến 61% người được hỏi đã phản đối kế hoạch trên, có đến 70% người cho rằng việc xây dựng như thế sẽ xúc phạm linh hồn những người đã mất trong sự kiện 11-9. Xa hơn, việc tổng thống Obama đồng ý cho kế hoạch trên đã góp phần làm cho có đến 24% người được hỏi tin rằng ông Obama là người theo đạo Hồi.

Có lẽ, những bất đồng tôn giáo trên sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Và sự bất hòa đó mới chính một di chứng mà chính quyền Obama dẫu muốn cũng rất khó hòa giải.

Ngô Minh Trí – đăng trên Tuổi Trẻ ngày 11.09.2010

NHẬT BẢN: KINH TẾ NỔI CHÌM THEO ĐỒNG YÊN

Đồng yen tăng giá sẽ ảnh hưởng không tốt cho nền kinh tế Nhật vốn dựa vào xuất khẩu. Ảnh: AFP

Trong khi nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, Nhật Bản lại đang gặp bài toán khó về tỉ giá đồng yen. Chính phủ nước này đã tuyên bố sẽ thực hiện các giải pháp để hạn chế việc đồng yen tăng giá.

Hiện tại, tỷ giá USD/yen đạt mức xấp xỉ 84 yen đổi 1 USD, đồng nghĩa với việc đồng yen đã tăng giá so với USD cao nhất trong 15 năm qua. Tỷ giá USD/yencách đây hai năm, thời điểm tháng 09.2008, khoảng 107 yen đổi 1 USD. Tức chỉ trong vòng hai năm, yen đã tăng giá hơn 27% so với USD. Đồng yen tăng quá cao khiến cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi giảm đi sự cạnh tranh so với các nhà xuất khẩu của các nước khác. Không chỉ riêng gì các nhà xuất khẩu, một số chính trị gia như Yosuke Kondo, nghị sĩ hạ viện phụ trách bộ kinh tế, tỏ ra lo ngại cho nền kinh tế. Ông Kondo cảnh báo: “Tôi nghĩ rằng mức hiện hành là bất thường và cực kỳ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp”.

Trước nhiều áp lực, nhất là trong tình trạng kinh tế đầy u ám như hiện nay, chính phủ đã tuyên bố sẽ thực hiện các giải pháp để hạn chế việc đồng yen tăng giá. Gói giải pháp bao gồm biện pháp: chính phủ sẽ thực hiện gói kích cầu trị giá 10,9 tỉ USD và ngân hàng trung ương sẽ mở rộng các khoản cho vay giá rẻ. Theo kế hoạch, gói kích thích này sẽ được ký duyệt bởi thủ tướng Naoto Kan vào ngày 10.9. Cả hai biện pháp trên đều được công bố vào tuần trước nhưng đến nay vẫn chưa đem lại dấu hiệu lạc quan nào cho nền kinh tế Nhật Bản. Ông Edwin Merner, chủ tịch công ty nghiên cứu đầu tư Atlantis tại Nhật Bản, cho rằng chính sách của Tokyo “có giúp được một ít”. Tuy vậy, ông cũng cho rằng lẽ ra chính phủ nên thực hiện những việc mà họ có thể làm mà không tốn tiền, như cắt giảm thuế hay đảm bảo các khoản vay cho các hợp đồng ở nước ngoài. Sở dĩ chính phủ Nhật Bản đưa ra gói kích cầu khá khiêm tốn bởi hiện nay nợ công của chính phủ đã lên đến 200% so với GDP. Dường như chính phủ Nhật Bản chưa có một động thái nào cho thấy họ sẽ can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền tệ để hạ nhiệt cho đồng yen. Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhật Bản chưa đơn phương can thiệp vào thị trường ngoại hối vì lo ngại những bất đồng từ phía các thành viên của nhóm G8, vốn đang quyết liệt chỉ trích việc Trung Quốc can thiệp vào chính sách tiền tệ để tăng cường sức mạnh xuất khẩu.

Atsushi Mizun, cựu thành viên ban quản trị của ngân hàng trung ương Nhật, nói rằng sự phục hồi chậm của kinh tế Mỹ và châu Âu là một trong những nguyên nhân khiến đồng yen tăng giá. Có thể hiểu đơn giản như sau, người ta vốn quen kỳ vọng nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và EU, còn Nhật thì đã trì trệ suốt hai thập kỷ qua. Thế nên, khi đánh giá thấp đồng USD và Euro đã vô tình làm cho đồng yen tăng giá.

Một nguyên nhân khác được giáo sư Yoshiyasu Ono, thuộc đại học Osaka, chỉ ra là việc Nhật Bản rơi vào vòng luẩn quẩn: khi yen tăng giá, các nhà xuất khẩu lại cắt giảm nhân công, chi phí để cạnh tranh. Nhưng điều đó làm cho nhu cầu trong nước giảm, nhập khẩu giảm. Sự giảm sút của nhập khẩu thì khá lớn, khi đó sự giảm sút của xuất khẩu chưa bao nhiêu. Thế nên, thặng dư thương mại tăng và cứ thế càng làm cho USD giảm giá so với yen.

Ngô Minh Trí (tổng hợp) – đăng trên SGTT

BIG BIG WORLD – THẾ GIỚI MÊNH MANG

Vì thích bài hát này nên tôi thử Việt hóa cho vui, xem như xả stress cuối tuần!

C a sĩ: Emilia Rydberg

Tác giả: Emilia Rydberg – Lasse Andersson

Lời việt: Ngô Minh Trí

I’m a big big girl

In a big big world

It’s not a big big thing if u leave me

But I to do  feel

That I do do will, miss u much

Miss u much

I can see the first leafs falling

It’s all yellow and nice

It’s so very cold outside

Like the way I’m feeling inside

I’m a big big girl

In a big big world

It’s not a big big thing if u leave me

But I do do feel

That I do do will, miss u much

Miss u much

Outside it’s now raining

And tears are falling from my eyes

Why did it have to happen

Why did it all have to end

I’m a big big girl

In a big big world

It’s not a big big thing if u leave me

But I do do feel

That I do do will, miss u much

Miss u much

I have your arms around me

Warm like fire

But when I open my eyes……

Your gone

I’m a big big girl

In a big big world

It’s not a big big thing if u leave me

But I do do feel

That I do do will, miss u much

… Miss u much

I’m a big big girl

In a big big world

It’s not a big big thing if u leave me

But I do

Feel I will, miss u much

…miss u much

Dù có đủ chín chắn

Giữa  thế giới mênh mang

Hay cố không than van  vì anh đã đi

Nhưng em cứ cứ nhớ

Nhớ đến anh anh ơi, rất  nhớ anh

… Rất nhớ anh

Em cứ ngắm những chiếc lá đầu thu

Đượm màu  lá cứ  vàng xinh

Chợt cơn gió về lạnh khắp người

Khoảnh khắc này làm buốt giá lòng em

Người yêu hỡi có nhớ

Những phút xưa bên nhau

Anh hứa luôn bên em  và yêu mãi em

Nhưng bỗng nhiên hôm nay

Anh đã đi đi xa, chốn rất xa

… Chốn rất xa

Chốn đây mưa cứ rơi hoài

Em thì lệ tuôn trào ướt khóe mi

Sao cuộc tình phải là mộng tan

Sao cuộc tình chợt mất người ơi

Người yêu hỡi có nhớ

Những phút xưa bên nhau

Anh hứa luôn bên em  và yêu mãi em

Nhưng bỗng nhiên hôm nay

Anh đã đi đi xa, chốn rất xa

… Chốn rất xa

Mơ có vòng tay anh còn đây

Ấm lạ thường

Bỗng nhiên mở mắt thì hiểu rằng

Đâu còn..

Dù có đủ chín chắn

Giữa  thế giới mênh mang

Hay cố không than van  vì anh đã đi

Nhưng em cứ cứ nhớ

Nhớ đến anh anh ơi, rất  nhớ anh

… Rất nhớ anh

Dù có đủ chín chắn

Giữa  thế giới mênh  mang

Hay cố không than van  vì anh đã đi

Nhưng em cứ

Nhớ đến anh, rất  nhớ anh

… Rất nhớ anh