NÓNG DẦN NGUY CƠ CHIẾN TRANH TIỀN TỆ

Nhiều ý kiến cho rằng nguy cơ về một cuộc chiến tranh tiền tệ ngày càng rõ ràng hơn. Ảnh: internet

Sau cảnh báo của bộ trường tài chính Brazil Guido Mantega, nguy cơ chiến tranh tiền tệ đang ngày càng nóng hơn. Trong đó, châu Á đang được xem như tâm điểm có thể khơi mào một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Nguy cơ tăng cao

Tuần trước, bộ trưởng tài chính Brazil Guido Mantega nói rằng thế giới đang ở trong một “cuộc chiến tranh tiền tệ quốc tế”, ông Mantega cho rằng chính phủ các nước đang thao túng tiền tệ để tăng cường khả năng cạnh tranh. Người đầu tiên chính thức tỏ ý xem nhẹ cảnh báo trên là giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss- Kahn. Ông Strauss-Kahn phát biểu: “Tôi không cảm thấy hôm nay có một nguy cơ lớn cuộc chiến tranh tiền tệ, mặc dù đó là điều mà người ta đã viết ra” và ông cho rằng đó là nguy cơ rất thấp.

Có thể, vị trí đứng đầu một định chế tài chính quốc tế khiến cho ông Strauss – Kahn phải phát biểu thận trọng nhằm trấn an thị trường tài chính toàn cầu. Nhưng chỉ mấy ngày sau, trong một hội nghị kinh tế ở Yalta, Ukraine, ông Strauss- Kahn đã lên tiếng kêu gọi các nền kinh tế lớn nên hợp tác cùng nhau để tránh xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ. Ông Strauss-Kahn đã nhìn nhận nhiều hơn về một nguy cơ như thế. Sự thay đổi trong đánh giá của người đứng đầu IMF cho thấy nguy cơ về một cuộc chiến tranh tiền tệ ngày càng rõ ràng hơn.

Nguy cơ rõ ràng hơn là điều không quá khó thấy trong bối cảnh hiện nay. Không riêng gì Mỹ – Trung, châu Âu cũng quyết liệt chỉ trích Nhật Bản khi nước này đơn phương can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm kìm đà tăng giá của đồng Yên vì lo ngại đồng Yên tăng giá sẽ làm tê liệt nền xuất khẩu Nhật Bản. Chính vì điều này, nhiều người cho rằng sẽ mở ra một tiền lệ can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu. Không chỉ bơm hơn 23 tỷ USD hạ nhiệt đồng Yên, chính phủ Nhật còn tuyên bố sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản một lần nữa xuống còn 0%, quyết định này sẽ làm tăng nguồn cung tiền trên thị trường Nhật Bản và sẽ khiến cho đồng Yên giảm giá.

Bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản thì một loạt danh sách các nền kinh tế mới nổi khác cũng xem chính sách tiền tệ là công cụ quan trọng. Đài Loan trong năm qua cũng cố gắng kiềm chế không cho đồng tiền của mình tăng nhiều hơn 2% so với USD nhằm đảm bảo khả năng xuất khẩu. Hàn Quốc cũng hành động tương tự, hay các quốc gia Mỹ Latinh như Peru và Columbia cũng không ngần ngại thực hiện phương thức trên.

Ngay cả Brazil, nước đã lên tiếng cảnh báo về cuộc chiến tranh tiền tệ, cũng tuyên bố sẽ chính thức can thiệp vào thị trường tài chính của mình, việc có thể làm hạ giá đồng Real nước này. Lâu nay, Brazil đã giữ mức lãi suất cao nhằm hạn chế lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế phát triển quá nóng. Nhưng chính vì lãi suất cao nên giới đầu tư tài chính nước ngoài đã chuyển vốn từ các nước có lãi suất thấp vào đầu tư tại Brazil. Thời gian qua, đồng Real đã tăng hơn 30% so với USD khiến cho xuất khẩu nước này hết sức lao đao. Lần này, khi Brazil can thiệp chống giới đầu cơ tài chính có thể khiến cho đồng real của nước này sẽ hạ nhiệt. Hàn Quốc, Ấn Độ và Thái Lan cũng đang đề cập đến việc can thiệp tương tự. Mới đây, Hoa Kỳ cũng tỏ ý sẽ thực hiện chính sách nới rộng tiền tệ, điều đó có thể khiến cho USD lại giảm giá so với các đồng tiền khác. Sự ăn miếng trả miếng đang diễn ra rất rõ ràng trong chính sách tiền tệ của các quốc gia.

Đe dọa bất ổn cho kinh tế toàn cầu

Thứ tư 6.10 vừa rồi, các lãnh đạo các chính phủ phương Tây một lần nữa cảnh báo Trung Quốc và các thị trường mới nổi rằng việc các nước này làm suy yếu đồng tiền của mình có thể làm chệch hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Timothy Geithner cho rằng các nước có thặng dư thương mại lớn nên để cho đồng tiền tăng giá, ông nói thêm: “Khi các nền kinh tế lớn vẫn định giá đồng tiền thấp đi, điều đó có thể khuyến khích các nước làm theo”. Ông Strauss-Kahn cũng lên tiếng cho rằng việc sử dụng tỷ giá hối đoái “như một vũ khí chính sách” sẽ “đại diện cho một nguy cơ rất nghiêm trọng cho sự phục hồi của kinh tế thế giới”.

Nguy cơ mà ông Strauss Kahn đề cập đó là gì? Trước hết chính là việc làm tăng cường chủ nghĩa bảo hộ giữa các quốc gia. Các quan chức trên khắp thế giới lo ngại một cuộc đua giảm giá tiền tệ có thể kích hoạt việc hình thành các loại thuế thương mại cũng như những biện pháp bảo hộ gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu. Mới đây nhất, hạ viện Hoa Kỳ đã chính thức thông qua đạo luật đánh thuế cao dành cho sản phẩm của các nước được hỗ trợ giá nhờ chính sách tiền tệ, mục tiêu nhằm chống lại việc Trung Quốc đã định giá thấp đồng tiền của mình. Phản ứng với điều này, Trung Quốc đã áp thuế cao lên thịt gà và phụ tùng ô tô nhập từ Mỹ. Đây chỉ mới là bắt đầu, người ta lo ngại việc trả đũa qua lại giữa hai bên sẽ còn căng thẳng hơn nữa trong thời gian tới.

Với những bất đồng như thế, người ta có quyền lo ngại một cuộc xung đột tiền tệ sẽ khơi mào không chỉ một cuộc chiến tranh tiền tệ mà có thể là cả một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.

Ngô Minh Trí Sài Gòn Tiếp Thị Online