TỪ THIỆN VÀ DANH TIẾNG

Bộ Tứ Linh đã được quảng bá rất rầm rộ (ảnh: Vnexpress)

Nếu ai từng theo dõi đường đi của bộ Tứ linh hội tụ được đem đấu giá trong Chương trình đấu giá từ thiện Đêm hội Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung sẽ thấy việc quảng bá cho bộ Tứ linh hội tụ rầm rộ như thế nào.

Chính vì vậy, có lẽ nhiều người đã bất ngờ khi người thắng đấu giá bộ linh vật lại từ chối nhận chúng. Rồi việc mua bán của các vật phẩm khác trong đêm đấu giá đó cũng không được thuận buồm xuôi gió.

Đứng về mặt tổ chức sự kiện có thể thấy, sự chu đáo cần thiết để đêm đấu giá diễn ra thành công theo đúng ý nghĩa của nó đã không được lưu tâm, trong khi những hoạt động tìm kiếm tiếng vang lại rất nổi bật.

Đây không phải lần đầu các đơn vị nhắm đến các sự kiện từ thiện với mục đích tạo danh tiếng cho mình. Nhiều người từng chứng kiến sau các đợt lũ lụt, nhiều doanh nghiệp về miền Trung cứu trợ không quên chuẩn bị băng rôn, cờ xí rợp trời. Tiếp đến là quay phim, chụp ảnh trao quà để xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Không ít các tấm ảnh, đoạn phim mà trong đó, người dân vùng lũ xuất hiện trông thật tội nghiệp khi nhận cứu trợ.

Cũng vì làm từ thiện để lấy danh tiếng mà nhiều đoàn từ thiện đã không tìm hiểu xem hàng hóa mình cứu trợ có còn cần thiết hay không. Bằng chứng là khi nước lũ đã rút từ lâu nhưng mì gói vẫn là mặt hàng cứu trợ phổ biến nhất. Có người nhận xét vui rằng “mì gói đang trở thành văn hóa cứu trợ lũ lụt của Việt Nam”.

Người ta cũng dễ dàng nhận thấy một công thức đang hết sức phổ biến trong cách làm từ thiện hiện nay, đó là: từ thiện = người đẹp (hoặc người nổi tiếng) + doanh nhân + tiệc tùng đình đám. Cách đây chưa lâu, một thương hiệu xe sang trọng cũng tổ chức một đêm tiệc từ thiện với sự hội tụ của nhiều gương mặt nổi tiếng trong giới kinh doanh ngành giải trí lẫn các doanh nhân tiếng tăm. Kết quả từ thiện như thế nào thì khó ai trả lời nhưng tổng chi phí để tổ chức buổi tiệc và những hoạt động liên quan thì chắc hẳn là con số không nhỏ. Điều đó khiến người ta tự hỏi đâu là mục tiêu thực sự của những buổi tiệc từ thiện như thế: làm từ thiện hay đánh bóng tên tuổi?

Với thực trạng trên, không khéo việc làm từ thiện sẽ trở thành phương tiện xây dựng danh tiếng, và giá trị đích thực của hoạt động từ thiện sẽ dần bị xói mòn.

Làm từ thiện không đơn thuần là giúp đỡ vật chất, mà còn là sự chia sẻ về mặt tinh thần cho những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thua thiệt. Chính vì thế, làm từ thiện cần lấy tấm lòng làm giá trị cốt lõi.

Hoàng Đình (*) – đăng trên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn ngày 09.12.2010

(*) Hoàng Đình: bút danh mới của Ngô Minh Trí

Giới thiệu Ngô Minh Trí
Ngô Minh Trí Saigon - Vietnam

3 Responses to TỪ THIỆN VÀ DANH TIẾNG

  1. Chuột Nhắt says:

    “Làm từ thiện không đơn thuần là giúp đỡ vật chất, mà còn là sự chia sẻ về mặt tinh thần cho những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thua thiệt. Chính vì thế, làm từ thiện cần lấy tấm lòng làm giá trị cốt lõi.”
    Thích nhất câu này, nhiều người thì bảo nó làm từ thiện để quảng cáo, PR cũng dc, miễn sao là có tiền giúp người nghèo… thế đấy! người ta còn vỗ tay hoan hô mà

    Hôm qua học được câu của mẹ TT Hàn Quốc Lee Myung-bak “Người nghèo nếu chỉ trông đợi vào sự giúp đỡ của người giàu thì không bao giờ thoát khỏi nghèo đói” , mấy ai học được câu này nhỉ?

  2. Chuột Nhắt says:

    sửa giùm câu trên nhé, bỏ bớt 2 chữ người nghèo

Bình luận về bài viết này