NHẬT BẢN: KINH TẾ NỔI CHÌM THEO ĐỒNG YÊN

Đồng yen tăng giá sẽ ảnh hưởng không tốt cho nền kinh tế Nhật vốn dựa vào xuất khẩu. Ảnh: AFP

Trong khi nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, Nhật Bản lại đang gặp bài toán khó về tỉ giá đồng yen. Chính phủ nước này đã tuyên bố sẽ thực hiện các giải pháp để hạn chế việc đồng yen tăng giá.

Hiện tại, tỷ giá USD/yen đạt mức xấp xỉ 84 yen đổi 1 USD, đồng nghĩa với việc đồng yen đã tăng giá so với USD cao nhất trong 15 năm qua. Tỷ giá USD/yencách đây hai năm, thời điểm tháng 09.2008, khoảng 107 yen đổi 1 USD. Tức chỉ trong vòng hai năm, yen đã tăng giá hơn 27% so với USD. Đồng yen tăng quá cao khiến cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi giảm đi sự cạnh tranh so với các nhà xuất khẩu của các nước khác. Không chỉ riêng gì các nhà xuất khẩu, một số chính trị gia như Yosuke Kondo, nghị sĩ hạ viện phụ trách bộ kinh tế, tỏ ra lo ngại cho nền kinh tế. Ông Kondo cảnh báo: “Tôi nghĩ rằng mức hiện hành là bất thường và cực kỳ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp”.

Trước nhiều áp lực, nhất là trong tình trạng kinh tế đầy u ám như hiện nay, chính phủ đã tuyên bố sẽ thực hiện các giải pháp để hạn chế việc đồng yen tăng giá. Gói giải pháp bao gồm biện pháp: chính phủ sẽ thực hiện gói kích cầu trị giá 10,9 tỉ USD và ngân hàng trung ương sẽ mở rộng các khoản cho vay giá rẻ. Theo kế hoạch, gói kích thích này sẽ được ký duyệt bởi thủ tướng Naoto Kan vào ngày 10.9. Cả hai biện pháp trên đều được công bố vào tuần trước nhưng đến nay vẫn chưa đem lại dấu hiệu lạc quan nào cho nền kinh tế Nhật Bản. Ông Edwin Merner, chủ tịch công ty nghiên cứu đầu tư Atlantis tại Nhật Bản, cho rằng chính sách của Tokyo “có giúp được một ít”. Tuy vậy, ông cũng cho rằng lẽ ra chính phủ nên thực hiện những việc mà họ có thể làm mà không tốn tiền, như cắt giảm thuế hay đảm bảo các khoản vay cho các hợp đồng ở nước ngoài. Sở dĩ chính phủ Nhật Bản đưa ra gói kích cầu khá khiêm tốn bởi hiện nay nợ công của chính phủ đã lên đến 200% so với GDP. Dường như chính phủ Nhật Bản chưa có một động thái nào cho thấy họ sẽ can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền tệ để hạ nhiệt cho đồng yen. Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhật Bản chưa đơn phương can thiệp vào thị trường ngoại hối vì lo ngại những bất đồng từ phía các thành viên của nhóm G8, vốn đang quyết liệt chỉ trích việc Trung Quốc can thiệp vào chính sách tiền tệ để tăng cường sức mạnh xuất khẩu.

Atsushi Mizun, cựu thành viên ban quản trị của ngân hàng trung ương Nhật, nói rằng sự phục hồi chậm của kinh tế Mỹ và châu Âu là một trong những nguyên nhân khiến đồng yen tăng giá. Có thể hiểu đơn giản như sau, người ta vốn quen kỳ vọng nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và EU, còn Nhật thì đã trì trệ suốt hai thập kỷ qua. Thế nên, khi đánh giá thấp đồng USD và Euro đã vô tình làm cho đồng yen tăng giá.

Một nguyên nhân khác được giáo sư Yoshiyasu Ono, thuộc đại học Osaka, chỉ ra là việc Nhật Bản rơi vào vòng luẩn quẩn: khi yen tăng giá, các nhà xuất khẩu lại cắt giảm nhân công, chi phí để cạnh tranh. Nhưng điều đó làm cho nhu cầu trong nước giảm, nhập khẩu giảm. Sự giảm sút của nhập khẩu thì khá lớn, khi đó sự giảm sút của xuất khẩu chưa bao nhiêu. Thế nên, thặng dư thương mại tăng và cứ thế càng làm cho USD giảm giá so với yen.

Ngô Minh Trí (tổng hợp) – đăng trên SGTT

Giới thiệu Ngô Minh Trí
Ngô Minh Trí Saigon - Vietnam

Bình luận về bài viết này