FULBRIGHT VIỆT NAM

Em cứ phải cắt bỏ thông tin trên bài này hoài, đúng là đời em mấy năm qua chẳng có “tự do dân chủ” gì hết. Phần “tự do dân chủ” này là em nói trong mối quan hệ của em với một người khác, các anh anh ninh và tuyên giáo – văn hóa đừng hiểu nhầm em nhé! 😉 . BÀI VIẾT NÀY LẼ RA ĐƯỢC VIẾT NGAY SAU BÀI: “GIÁO DỤC VIỆT NAM – CẦN MỘT CÁI NHÌN KHÁCH QUAN” TỨC VÀO KHOẢNG ĐẦU THÁNG 11/2009

Lớp học MPP tại Fulbright Việt Nam (ảnh: website Fulbright Việt Nam)

  Có lẽ, Fulbright Việt Nam đang là một trong những chương trình giảng dạy kinh tế được người người ngưỡng mộ tại Việt Nam. Không ít bạn trẻ đang rất ham thích được đăng ký tham gia chương trình này. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với ai cũng phù hợp để tham gia chương trình này.  

 Dẫn nhập  

Hôm nay, Thu N có nói tôi hãy sớm viết bài trở lại. Nhân dịp hôm nay cũng là ngày cưới của thằng em học chung ở khoa Quản lý công nghiệp – ĐH Bách Khoa, nó học sau một khóa, hôm đưa thiệp cưới nó có hỏi tôi về Fulbright bởi nó dự định đăng ký ứng tuyển sau khi cưới vợ xong. Tôi chưa biết ngày mai tôi có đi tiệc cưới của nó không, bởi thiệp mời đưa vào tuần trước ghi tên mời cả tôi lẫn bạn gái cũ, nên ngày mai đi một mình thì bà con lại xúm vào hỏi thăm, chỉ tổ buồn thêm.  

Chưa biết đi hay không, nên viết entry này như lời chia sẻ cho nó về Fulbright, như một món quà tạm cho đám cưới của nó. Dù quà thế này thì cũng “hẻo” thật, nhưng biết đâu những lời chia sẻ này giúp nó có quyết định đúng đắn để về sau vợ con được nhờ. Như thế, món quà xem ra cũng không đến nỗi “hẻo” lắm. Ngoài ra, hôm nay cũng sắp đến ngày chuẩn bị hồ sơ nộp vào Fulbright rồi, nên có ai quan tâm chương trình ấy thì cũng tham khảo thử qua entry này xem có gì bổ ích hay không. Tất cả những thông tin trong entry này đều có thể được kiểm chứng trên website của Fulbright Việt Nam, trường chính sách công Harvard Kennedy, viện ASH.  

Fulbright “ngoại” và “nội”  

Tuy Fulbright Việt Nam được nhiều người biết đến, nhưng chưa hẳn ai cũng có thông tin đầy đủ về chương trình này. Trước hết, tôi xin phân biệt cho các bạn biết rằng Fulbright đang có hai chương trình học bổng khác nhau dành cho Việt Nam.  

Chương trình thứ nhất là chương trình học bổng Fulbright dành cho người Việt Nam đi học thạc sỹ tại Hoa Kỳ. Học bổng dành cho các ngành khoa học xã hội, tức bao gồm cả kinh tế, tài chính, truyền thông, luật, chính sách công…Học bổng này ai được tuyển thì chỉ được cấp một năm đầu tiên, phải học tốt thì mới được cấp thêm năm thứ hai để hoàn thành chương trình, còn học tệ thì “xách valy về nước” để đoàn tụ với gia đình. Ai học giỏi hơn nữa thì đây sẽ là nền móng rất tốt để kiếm học bổng nghiên cứu sinh tiến sỹ ở Mỹ, thêm năm năm “dùi mài kinh sử” sẽ trở thành tiến sỹ “Huê Kỳ” thật oách, không chừng cưới được cả hoa hậu. Chương trình Fulbright còn có cả các học bổng ngắn hạn để đào tạo về chính sách công cho một số lãnh đạo, nhà quản lý, ai muốn hiểu rõ hơn có thể tham khảo ở bài “Cuộc đua quyền lực mềm Mỹ – Trung” mà tôi đã đăng trên báo Thanh Niên. Nói chung là có học bổng này thì cũng tươi sáng như cái tên “Fulbright” của nó, thuận tiện để có thêm chữ “Harvard” sáng chói gắn trên thành tích học tập của mình dù là học ngắn hay dài, học chơi hay học thật.  

Chương trình thứ hai thì “Việt Nam hóa” hơn, tức đào tạo ngay trong nước với tên gọi là: “chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright”, xin gọi tắt là chương trình Fulbright Việt Nam. Xét về sự danh giá thì chương trình này không bằng chương trình thứ nhất, bằng chứng là một vài trợ giảng hiện tại của chương trình này sau nhiều nỗ lực mới được đáp máy bay sang Hoa Kỳ để học chương trình thứ nhất. Tiếp theo, tôi chỉ trao đổi về chương trình thứ hai này, tức chương trình “Fulbright Việt Nam” để cho bạn đọc tham khảo.  

Fulbright Việt Nam và thông tin tổng quan  

Chương trình này có tên gọi là “chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright”. Nhưng thực chất thì dạy về “chính sách công” do trường đại học Kinh Tế TP.HCM “liên kết giảng dạy” cùng “Trường quản lý nhà nước John F. Kennedy”. Tuy vậy, đơn vị “chủ quản trực tiếp” là “viện ASH” thuộc trường Kennedy. Một điều cần phân định rõ là “kinh tế học” không đồng nhất với “chính sách công”. Nhưng có lẽ vì phía đối tác Việt Nam là Đại học Kinh tế TP.HCM nên tên gọi lại là dạy về kinh tế. Một góc độ khác cần nói rõ là thực ra trường Kennedy cũng chỉ chuyển giao một số tài liệu đào tạo về chính sách công trong các môn học như: nhập môn chính sách công và phân tích thể chế, chính sách phát triển, kinh tế học khu vực công, thẩm định đầu tư công. Còn các môn cơ bản như: kinh tế học vi mô, vĩ mô hay phương pháp định lượng thì về cơ bản vẫn là tài liệu được lưu hành lâu nay tại Việt Nam. Việc lập lờ giữa “kinh tế học” và “chính sách công” có thể là cách để đủ tiêu chuẩn hoạt động ở Việt Nam  nên cũng không có gì quá quan trọng, đã “Việt Nam hóa” thì tập “lách” chút cho giống Việt Nam cũng không sao.  

Thêm vào đó, vai trò của trường Kennedy trong việc chứng nhận học tập của chương trình này cũng chưa hoàn toàn rõ ràng. Bởi chỉ từ khóa học 2008 – 2010 có thời hạn học 02 năm, tức lớp thạc sỹ có tên là MPP1 (Master of Public Policy), thì Fulbright Việt Nam mới chính thức cấp bằng Thạc sỹ Chính sách công. Còn trước đó chỉ được cấp dưới dạng chứng chỉ hoàn thành khóa học.  

Khi cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học thì trường Kennedy không ngần ngại “ký tên đóng dấu” trực tiếp. Còn khi cấp bằng thạc sỹ thì chưa biết thế nào vò lớp MPP1 chưa tốt nghiệp. Trước đó, một số học viên thắc mắc là có được trường Kennedy trực tiếp cấp hay không thì Fulbright Việt Nam bảo “chờ hồi âm” từ Kennedy. Kết quả hồi âm tôi không rõ, nhưng chỉ biết hiện tại website của trường này đã đổi lại logo ở góc từ trường Kennedy thành viện ASH thuộc trường Kennedy. Cho nên, có thể chỉ là trung tâm ASH đứng ra xác nhận trực tiếp cùng đại học kinh tế Việt Nam. Phần này thì nhà báo Huy Đức cũng từng nhầm lẫn khi viết trong một entry nói rằng Fulbright Việt Nam chưa được cấp bằng thạc sỹ vì không đào tạo môn triết học, thực ra thì lúc đó Fulbright Việt Nam cũng chưa hề có phê chuẩn đào tạo thạc sỹ từ trường Kennedy.  

Nếu như thế, thì có thể mô tả tổng quan về chương trình Thạc sỹ chính sách công của Fulbright Việt Nam như sau: Chương trình đào tạo chính sách công do đại học Kinh tế TP.HCM liên kết cùng viện ASH và sử dụng một số tài liệu đào tạo chính sách của trường Kennedy. Còn một số giảng viên đang dạy tại Kennedy tham gia dạy một số môn là do ASH mời qua dạy. Một số nhân sự trực tiếp điều hành Fubright Việt Nam cũng là người thuộc trực tiếp ASH. Viện ASH thì chủ yếu nhận ngân sách từ bộ ngoại giao Hoa Kỳ trong những chương trình đào tạo tại chổ như thế này, đây cũng là một phần của cuộc “quảng bá” quyền lực mền “dân chủ” mà Hoa Kỳ đang thực hiện bao năm qua mà tôi đã viết rong một bài khác.  

Như đã nói, Fulbright Việt Nam là một trong số rất hiếm mà ASH đào tạo MPP tại nước ngoài. Cho nên, cũng có một trùng hợp thú vị là ngày trước cố tổng thống Kennedy từng xem Việt Nam là một vị trí then chốt theo thuyết Domino, mà ông cổ súy, thì nay Việt Nam cũng trở thành một vị trí then chốt mới trong đào tạo chính sách công của Hoa Kỳ. Một điểm mà tôi tạm gọi là “trùng hợp” khác đó là chương trình này đang có rất nhiều học viên là công viên chức nhà nước.  

Tính chính trị của chương trình này được thể hiện ngay câu slogan của ASH là: “For democratic governance and Innovation” mà có thể tạm dịch là: “Cho những quản trị và cách tân dân chủ”, trúng chốc với những gì người Mỹ tuyên truyền. Người Mỹ vẫn thường nói học “chỉ cần đồng minh chứ không cần bạn”, nên bộ ngoại giao chẳng bao giờ trích quỹ biếu không ai bao giờ.  

Nội dung đào tạo  

Vì đây là chương trình tập trung đào tạo chính sách công nên phần kinh tế học cũng không phải quá chuyên sâu để nghiên cứu. Một phần lớn nội dung về chính sách công bàn khá kỹ về các trường hợp dưới góc nhìn chính sách của Hoa Kỳ. Đặc biệt là sự nhấn mạnh vào “thể chế” và “kinh tế thị trường”.  

Tuy không chuyên sâu nhưng phần kinh tế học cũng được nhiều chuyên gia nổi tiếng giảng dạy nên việc đào tạo cũng khá tốt. Nhưng có một số điều rất dễ khiến người học ngộ nhận. Ví dụ như quan điểm: “kinh tế thị trường là mô hình tốt nhất từ trước đến nay. Câu này không sai nhưng rất dễ khiến ngộ nhận thành: “kinh tế thị trường là mô hình tối ưu có tính vĩnh viễn”. Nhiều kinh tế gia đã phải nhận định các lý thuyết kinh tế hiện tại thực ra cũng còn nhiều tranh cãi. Cho nên, khi đem áp dụng vào việc lập chính sách không khéo léo sẽ bị ngộ nhận thành chân lý. Trong khi, kinh tế học và xã hội học chỉ là hai phần nổi, thường bị thiên kiến chính trị áp đặt, trong một chính sách. Nên sự ngô nhận ở đây đôi khi chính là việc nhìn nhận các lý thuyết kinh tế ấy dưới những chính sách đã bị áp đặt về nhãn quan chính trị thì rất dễ bị áp đặt về nhãn quan chính trị mà không nhận ra.  

Nhưng tất nhiên, nếu người học đủ “công lực” để đánh giá thì vẫn học được rất nhiều điều bổ ích. Nhưng số này không nhiều. Điển hình là nhiều người học nhưng chỉ có ôn Lý Quang Diệu là chắt lọc thành một hệ thống lý luận riêng và đang là nền tảng lý thuyết cho cương trình đào tạo chính sách công của trường đào tạo chính sách công Lý Quang Diệu. Cũng như trong truyện kiếm hiệp, nếu chưa đủ công lực mà luyện quá sức thì sẽ “tẩu hỏa nhập ma” hoặc học nhưng chẳng thể bậc võ lâm chí tôn. Người học muốn làm được như Lý Quang Diệu thì trước hết phải nhìn được cái mình học như Lý Quang Diệu đã nhìn.  

Tôi xin nhấn mạnh là tôi không phủ định chương trình học này mà chỉ muốn nói rằng cần phải phân định rõ một số thiên kiến chính trị trong ấy.  

Thực tế với Fulbright Việt Nam, đa phần những người giảng dạy đều là những chuyên gia có nhiều thực tế hoặc có thông tin về thời kỳ đổi mới của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nên chương trình học này cũng phần nào giúp người học biết và được truyền đạt về chính sách trong giai đoạn ấy của Việt Nam. Nhưng nếu không khéo thì cũng rất dễ rơi vào tình trạng áp đặt tư duy của một giai đoạn lịch sử và cả những làn sóng chính trị mà lẽ ra không nên dính vào.  

Kết luận  

Tôi viết những phần trên nhằm chia sẻ thông tin, có một phần là nhận định chủ quan của tôi, cho những ai muốn học. Theo tôi, nếu ai muốn có một “background” để làm việc trong cơ quan nhà nước hay tham gia trong các nhóm hoạch định chính sách thì nên học. Nhưng cũng cần nhớ là phải minh định rõ hơn để tránh bị “mộng du” về chính sách.  

Còn nếu muốn sử dụng kiến thức này để làm việc trong các chương trình phi chính phủ thì chưa hẳn là phù hợp. Vì các chương trình ấy thường cần những nhân sự chuyên sâu về các lĩnh vực, còn việc chính sách thì họ đã có một bộ đầu não tầm cỡ ở tổng hành dinh.  

Còn bạn nào học xong mà đi làm ở khu vực tư nhân thì nên chọn các chương trình MBA khác sẽ phù hợp hơn.  

Ngô Minh Trí  

(*) Bài liên quan:  

Cuộc đua quyền lực mềm Mỹ – Trung  

 TB:  

Tôi đã xóa gần như toàn bộ các hồi đáp của tôi dành cho các phản hồi, tôi chỉ giữ lại 1 hay 2 phản hồi gì đấy của tôi. Tôi nghĩ như thế là đủ, những gì tôi cần nói đều thể hiện trong bài viết. Với tôi, bây giờ tôi viết, ai đọc và ngẫm được đến mức nào và có ý kiến đến mức nào là tùy vào mỗi người. Tôi không muốn phải mất quá nhiều thời gian tranh luận một vấn đề khi tôi đã hiểu vấn đề đó như thế nào.

 

Giới thiệu Ngô Minh Trí
Ngô Minh Trí Saigon - Vietnam

43 Responses to FULBRIGHT VIỆT NAM

  1. Trương Thái Du says:

    Ghé tem chú đã, tối rãnh rỗi anh sẽ đọc.

  2. nguyen le says:

    Minh Trí thất tình đấy à?

  3. Pingback: Tin 10-3-2010 « BA SÀM

  4. Cái học bổng của MMP bên Harvard mà Trí gọi thì nó là loại merit scholarship. Khác với Need based schoplarship là được toàn khóa học. Tuy nhiên merit nói thế nó vẫn cho như Need based. Khi đã nhận là nó cho luôn. Mỹ nó là vậy.

    Chú chuẩn bị về. Tối ghé nhé.

    • Ngô Minh Trí says:

      dạ, nhưng mình cứ nói đúng lý thuyết. Chứ nhỡ bạn nào bị “xách valy về nước” do ẹ quá rồi bảo do chú cháu mình mà họ chủ quan nghĩ đường nào cũng được ở lại. kakaka

  5. Zhivago says:

    Chưa bình tâm hết nhưng cũng đã hoàn hồn rồi lại phải không anh bạn? Anh bạn thấy chưa, rất nhiều người quan tâm đến anh bạn nhé. Hú hồn chỉ sợ một quả như TYVN.

    Zhi mách cho Trí một mẹo, tuy nghe hơi khôi hài nhưng chữa bệnh thất tình rất hiệu nghiệm: ĂN! Mỳ Quảng, Phở, Bún bò, mằn thắn (hoành thánh), bún riêu (ở trên đường Kỳ Đồng có quán bún riêu ngon lắm, đối diện Vietcombank nhưng trong hẻm, Trí đến Vietcombank, sang đường rồi hỏi thăm). Ăn cho sướng mồm vào, đừng tiếc tiền, ăn xong sẽ thấy thằng nào chết vì tình là thằng ngu. Cuộc đời vẫn đẹp sao dù tình yêu có thể…. không đẹp.

  6. thaothucsg says:

    Ơ, sao cái hội blogger của mình tập trung ở đây đông thế này mà mình chả biết gì nhở!

    Bài viết hay, tớ tin là rất có giá trị cho nhiều người trước khi muốn đâm đầu vào Fullbright.

  7. Nguyen Chi Hieu says:

    Chào bạn Trí,

    Rất vui vì có người quan tâm đến ngành học Chính Sách Công vốn còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Tôi đang học Cao học Chính sách công (MPP) ở Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu, NUS, Singapore. Xin có đôi lời chia sẻ thêm với bạn.

    – Tôi thấy rằng, dù chưa thể so sánh với một trường chính sách công đúng nghĩa trên thế giới, chương trình Fulbright Việt Nam khởi đầu bẳng chương trình một năm từ năm 1994 và gần đây là chương trình Cao học Chính sách công (MPP) hai năm là một thành công rất đáng ghi nhận trong điều kiện Việt Nam. Bỏ qua chuyện danh xưng bằng cấp, chất lượng đào tạo (cả về nội dung và phương pháp) của chương trình Fulbright Việt Nam là rất tốt so với mặt bằng chung của giáo dục đại học Việt Nam; và kiến thức ngành này dù ít hay nhiều sẽ giúp ích cho Việt Nam.

    – Về nội dung đào tạo: nội dung đào tạo bậc Cao học của các trường chính sách công trên thế giới cơ bản chia ra làm hai phần: phần một là nền tảng lý luận chung về phân tích và hoạch định chính sách (tất cả các học viên đều phải học); phần hai là các môn học tự chọn về các nhóm chính sách cụ thể mà người học quan tâm (thường là theo sở trường chuyên môn công việc của người học ở bậc đại học cũng như định hướng nghề nghiệp về sau), ví dụ như chính sách kinh tế, phát triển, cơ sở hạ tầng, môi trường, y tế, giáo dục, an ninh và quan hệ quốc tế, quản trị công,… Trọng tâm của việc học là trang bị kỹ năng chung về phân tích và hoạch định chính sách cũng như xem xét các chính sách cụ thể (nêu trên), có thể phân tích một chính sách nào đấy của một quốc gia nào đấy như là một case study, chứ không bao giờ khẳng định chính sách của một quốc gia nào đấy là hoàn hảo. Một lý do đơn giản là có quá nhiều yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của một chính sách, trong khi hoàn cảnh xã hội của mỗi nước thì rất khác nhau. Bởi vậy, ngoài những điểm chung cơ bản, một chính sách cụ thể về một lĩnh vực nào đấy của một quốc gia nào đấy nên được xem xét cụ thể trong hoàn cảnh quốc gia đó. Vì thế, người học cần hết sức tỉnh táo trong việc áp dụng kinh nghiệm của một quốc gia này cho một quốc gia khác. Tôi rất đồng ý với bạn là người học cần có đủ “công lực” để tránh những nhầm lẫn. Việc học chủ yếu là về phương pháp, cách đặt và giải quyết vấn đề hơn là một công thức cụ thể nào đấy. Việc chuyên sâu về một mảng chính sách nào đấy là do mình theo đuổi và tự học thôi.

    – Theo tôi được biết, chương trình MPP Fulbright Việt Nam, ngoài phần nền tảng lý luận phân tích và hoạch định chính sách (tôi thấy cũng chưa dạy sâu lắm) thì phần còn lại của chương trình tập trung chủ yếu vào chính sách kinh tế; có thể lý giải điều này là do (1) khó có thể thảo luận các vấn đề chính sách khác ở Việt Nam vì rất nhiều lý do, (2) nguồn lực giảng dạy các ngành khác của chương trình Fulbright Việt Nam còn hạn chế. Một đặc điểm nữa là, chương trình MPP Fulbright Việt Nam thảo luận tập trung chủ yếu vào các vấn đề của Việt Nam. Nhưng nói chung, một chương trình như vậy là khá phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay.

    Tôi không đồng ý với bạn Trí về hai điểm sau đây:

    – Tôi thấy không có cơ sở nào để bạn khẳng định là chương trình Fulbright Việt Nam có quan điểm “kinh tế thị trường là mô hình tốt nhất từ trước đến nay”. Tôi có thể khẳng định là không có một trường chính sách công nào có quan điểm như vậy. Điều này là quá sơ đẳng. Tôi muốn thử diễn giải vấn đề này như sau. Việc học kinh tế ở một trường kinh doanh thuần túy (ví dụ chương trình MBA) với trọng tâm xoay quanh cơ chế thị trường giúp chúng ta hiểu “bàn tay vô hình” (invisible hand) trong vận động của nền kinh tế, trong khi đó đề cập rất ít về những thất bại của cơ chế thị trường (market failure). Việc học ở trường chính sách công không chỉ xem xét cơ chế thị trường hay “bàn tay vô hình”, mà chủ yếu phân tích những thất bại của cơ chế thị trường để từ đó nhà nước có những sự can thiệp (government intervention hay “bàn tay hữu hình” – visible hand) cần thiết. Việc vận dụng hiệu quả, linh hoạt, ở một mức độ hợp lý “bàn tay vô hình” và “bàn tay hữu hình” sẽ giúp nền kinh tế và xã hội vận hành tốt hơn cả ở khía cạnh phát triển kinh tế và các khía cạnh xã hội khác (ví dụ như phân hóa giàu nghèo, bảo vệ môi trường,…).

    – Đúng là Ông Lý Quang Diệu là người có cái nhìn sắc sảo trong việc vận dụng “bàn tay vô hình” và “bàn tay hữu hình” trong điều kiện Singapore, và Singapore xét về một khía cạnh nào đó là khá thành công. Nhưng, nên chú ý là điều kiện của Singapore rất đặc thù, và việc áp dụng kinh nghiệm của Singapore như thế nào thì phải xem xét rất cụ thể, thận trọng. Như tôi đã nói ở trên, trường chính sách công không mang chính sách của một quốc gia nào đấy ra làm “gương điển hình” để giảng dạy. Vì thế, tôi không biết bạn lấy thông tin ở đâu ra để khẳng định “Điển hình là nhiều người học nhưng chỉ có ông Lý Quang Diệu là chắt lọc thành một hệ thống lý luận riêng và đang là nền tảng lý thuyết cho cương trình đào tạo chính sách công của trường đào tạo chính sách công Lý Quang Diệu”. Tôi có thể khẳng định với bạn là Trường Chính sách công Lý Quang Diệu không có gì liên quan đến tư tưởng quản lý và lãnh đạo của Ông Lý Quang Diệu cũng như mô hình phát triển của Singapore, càng không có cái gì gọi là “nền tảng lý thuyết cho chương trình đào tạo”. Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, mặc dù được chính phủ Singapore rất quan tâm, không phải là trường giảng dạy hay quảng bá về mô hình phát triển của Singapore.

    Về sự cần thiết của việc học và áp dụng kiến thức của ngành chính sách công, tôi có vài ý như sau:

    – Kiến thức của ngành chính sách công là rất rất cần thiết cho việc phân tích và xây dựng chính sách cho khu vực công vì nó sẽ quyết định đến chất lượng của chính sách (khía cạnh khoa học khi làm chính sách) vốn là một hạn chế rất lớn của Việt Nam. Vì vậy, các bạn làm ở khu vực nhà nước hay ngoài nhà nước mà có liên quan đến phân tích và xây dựng chính sách thì nên học. Tôi cũng đồng ý với bạn Trí là, việc học xong chương trình Cao học MPP mới chỉ là đạt được một “background”, kiến thức từ bản thân chương trình học không phải là cái gì rõ ràng để có thể mang ra sử dụng được liền. Như tôi đã nói ở trên, việc chuyên sâu về một mảng chính sách nào đấy là do mình theo đuổi và tự học thôi. Phân tích và xây dựng chính sách đòi hỏi phải có kinh nhiệm cả chiều rộng và chiều sâu.

    – Tôi nghĩ rằng nếu một bạn làm việc ở các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế có liên quan đến các vấn đề chính sách thì mặc dù bạn đấy không phải là người hoạch định chính sách mà chỉ là người triển khai một chính sách nào đấy, việc am hiểu môi trường chính sách sẽ giúp ích cho công việc của bạn đấy.

    – Tôi thấy rằng khu vực tư nhân cũng cần người am hiểu về chính sách công, tuy rằng số lượng có thể không nhiều. Ví dụ, một công ty tư vấn cần người hiều về môi trường, vận động và vận hành chính sách của một quốc gia trong ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn; hay những hiểu biết chính sách sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp ra quyết định tốt hơn. Tôi nghĩ ý nghĩa của việc học là vận dụng kiến thức như thế nào hơn là gắn với một công việc cố định nào đấy.

    – Các viện nghiên cứu chính sách độc lập có ý nghĩa rất lớn trong tiến trình phân tích và xây dựng chính sách của một quốc gia, tiếc rằng điều này rất hạn chế ở Việt Nam.

    – Việc học chính sách công khá là mệt mỏi và phức tạp theo nghĩa là khó đi đến một lời giải rõ ràng, cũng khó mang ra dùng được liền, nên có lẽ không thích hợp lắm với các bạn không thật sự quan tâm đến các vấn đề chính sách công.

    Tôi có một thông tin muốn chia sẻ, hiện nay Bộ KH&ĐT vừa lập ra Học viện Chính sách và Phát triển với chương trình Cử nhân Chính sách công. Trong hiểu biết của tôi, các trường chính sách công trên thế giới thường là các trường dạy chương trình sau đại học dành cho những người đã có kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đấy. Theo tôi thấy, sẽ hiểu quả hơn nếu những người học chính công là người đã có kinh nghiệm trong công việc và xã hội, vì thế chương trình đào tạo chính sách công nên ở bậc cao học trở lên. Tôi cảm thấy e ngại về việc đào tạo ra một các lớp cử nhân chính sách công mà chất lượng không đảm bảo, trong khi đó những người đó sẽ tham gia vào quá trình xây dựng và hoạch định chính sách thì

    http://www.apd.edu.vn/page.aspx?page_code=Home&mm=home&submenuheader=100

    Trường Chính sách công Lý Quang Diệu hằng năm đều có nhiều suất học bổng cho sinh viên Việt Nam. Nếu bạn nào quan tâm có thể tìm hiểu thêm.

    http://www.spp.nus.edu.sg/home.aspx

    Mong có dịp trao đổi thêm.

    • Nguyen Chi Hieu says:

      – Trước tiên, tôi cố gắng làm rõ thực chất chương trình đó như thế nào, tôi chẳng cổ vũ cũng chẳng phản đối; người đọc sẽ suy xét và lựa chọn.

      – Việc HKS không chứng nhận bằng MPP thì đâu có gì lạ, bởi vì MPP của FETP đâu phải là MPP của HKS.

      – Còn về những lý do gì ấy, nói chung chẳng có vấn đề gì cả; tôi nghĩ mỗi cá nhân đủ lớn để biết và chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình.

  8. voldemort says:

    welcome back. Fulbright có vẻ bị nhìn một cách khác sau vụ của Lê Công Định. nhưng nếu nhìn chương trình giáo dục từ mầm non lên đến … sau giáo sư ở việt nam hiện nay thì chắc cũng dễ thông cảm cho Fulbright, cái nào cũng dạy cho người học mộng du hết. học viện Khổng Tử, Hội đồng Anh, IDECAF hay Fulbright … mở ra mà không cho ra lò học trò mộng du thì ai bỏ tiền ra làm gì.

  9. Nhân Nguyễn says:

    Chào Minh Trí,

    Không biết Trí có thể nói rõ hơn về thiên kiến chính trị không, vì nghe có vẻ lớn lao quá. Nhưng thiên kiến chính trị nếu có này có lợi hay có hại cho những người học và những gì họ sẽ ảnh hưởng về sau?

    Nếu FETP có khả năng làm một đánh giá những ảnh hưởng (hay ít nhất là chức vụ) của những người đã học ở FETP trong 16 năm qua thì hay quá.

    Bạn voldemort,

    Ông Lê Công Định làm sao ảnh hưởng xấu đến tiếng tăm của chương trình Fulbright được vì (i) ông ta nhân danh cá nhân của mình để hành động, không nhắc tới Fulbright bao giờ; và (ii) về sâu thẳm những điều ông ta hướng tới là cái tốt, không phải cái xấu cho đất nước. Tôi nghĩ Fulbright nên tự hào vì đã chọn ông ấy.

    Nhân Nguyễn

    • Nguyen Chi Hieu says:

      Tôi nghĩ thông tin đa chiều là cần thiết, trên nguyên tắc tôn trọng các chuẩn mực khi thông tin về một việc gì đó:

      – phân biệt rạch ròi giữa ý kiến chủ quan của bản thân người viết và sự kiện được đề cập đến

      – lý lẽ đi kèm với dẫn chứng

      – thông tin đúng

      – thông tin đầy đủ

      – cẩn thận với các logic: không hẳn ngược lại với đúng là sai, cũng không hẳn ngược lại với sai là đúng

      – tôn trọng người khác

      “Phía sau chương trình này còn một số tác động chính trị xã hội khác (mà tôi nghĩ chỉ một số người đọc sẽ hiểu ý), nên bạn sử dụng mỗi góc độ học thuật thì sẽ khó hiểu hết ý nghĩa bài này. Ngay cả một số chủ điểm và cách dạy cũng có những ẩn ý phía sau đó bạn ạh. Bạn không nên dùng góc nhìn “trong sáng”.” –> sao bạn biết là chỉ có một số người đọc sẽ hiểu ý? tôi thì không dám khuyên ai là “không nên” cái này hay cái kia.

  10. Pingback: Trần Ngọc Thịnh » Blog Archive » Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright – Việt Nam

  11. Khang says:

    Lúc trước (mấy năm trước) có thấy thông báo tuyển sinh cao học của ĐHKT ghi là học viên đã hoàn thành chương trình Fullbright VietNam cần học thêm 1 năm để được cấp bằng Thạc sĩ do ĐHKT cấp, nghĩa là chưa được công nhận là Thạc sĩ. hihii.

  12. NguyenNgoc ADung says:

    Chào Nguyễn Minh Trí,
    – Tôi đánh giá cao những nhận xét có tính chuyên môn, sâu sắc và khách quan của Nguyen Chi Hieu. Bạn nên chấp nhận NCH giỏi về entry này..

    – Trong khi tổng hợp các nguồn tin để viết Fulbright VN, bạn đã không bỏ thì giờ tra cứu tỉ mĩ về chuyên môn và phương pháp giảng dạy của trường mà đưa những “flyers” khiến entry không có giá trị là một tài liệu tin tưởng đáng tham khảo. Rồi những quan điểm chính trị thiếu sâu sắc, hời hợt và chủ quan. (Tôi nói là quan điểm chớ không là chủ kiến vì bạn chưa có chủ kiế) đầy rãy trong entry. Ví dụ như đang nói chung chung về ngành học chính sách công Fulbright VN thì bạn lại chêm vô quan điểm của bạn: “Như đã nói, Fulbright Việt Nam là một trong số rất hiếm mà ASH đào tạo MPP tại nước ngoài. Cho nên, cũng có một trùng hợp thú vị là ngày trước cố tổng thống Kennedy từng xem Việt Nam là một vị trí then chốt theo thuyết Domino, mà ông cổ súy, thì nay Việt Nam cũng trở thành một vị trí then chốt mới trong đào tạo chính sách công của Hoa Kỳ. Một điểm mà tôi tạm gọi là “trùng hợp” khác đó là chương trình này đang có rất nhiều học viên là công viên chức nhà nước.

    – Có rất nhiều học viên từ các nước trên thế giới đã và đang tham gia chương trình Fulbright, đâu chỉ có VN? Quá tự tin ý kiến của mình đâm ra chủ quan trong nhận xét?

    Tiếp tục bạn nói: “Tính chính trị của chương trình này được thể hiện ngay câu slogan của ASH là: “For democratic governance and Innovation” mà có thể tạm dịch là: “Cho những quản trị và cách tân dân chủ”, trúng chốc với những gì người Mỹ tuyên truyền. Người Mỹ vẫn thường nói học “chỉ cần đồng minh chứ không cần bạn”, nên bộ ngoại giao chẳng bao giờ trích quỹ biếu không ai bao giờ.

    – Tôi không biết bạn nhặt nguồn tin này ở đâu mà trân tráo nói vậy. Theo tôi được biết một cựu thù xưa và đồng thời là vị đại diện cho HK, trong một cuộc thảo luận với ông Đại Tướng Vỏ Nguyên Giáp. Trả lời tướng Giáp về câu hỏi “VN là đồng minh của HK trong thời kỳ chống Phát Xít Nhật. Sau đó HK quay lưng với VN?” Đại diện HK nói ” hãy là đồng minh với HK, không là bạn. Vì là đồng minh thì hai bên cùng có lợi”.

    Và tiếp nữa, bạn nhận định: Ví dụ như quan điểm: “kinh tế thị trường là mô hình tốt nhất từ trước đến nay. Câu này không sai nhưng rất dễ khiến ngộ nhận thành: “kinh tế thị trường là mô hình tối ưu có tính vĩnh viễn”. Cho nên, khi đem áp dụng vào việc lập chính sách không khéo léo sẽ bị ngộ nhận thành chân lý.”

    – Thưa NMT, đơn giản của KTTT là cung và cầu. Nơi nào có nhu cầu thì có cung ứng thỏa mản cho những nhu cầu đó. Nghĩa là, để thỏa mãn những đòi hỏi của con người thì cung ứng phải chính xác, kịp thời và chất lượng cao. Muốn được như vậy thì các nguồn cung ứng phải thường xuyên tự làm mới và phát triển không ngừng. Thì làm gì có chuyện là tối ưu và vĩnh viễn? Vủ trụ tiến hóa và Vạn vật thay đổi không ngừng từng giây từng phút, không có việc gí là chân lý mãi mãi. Đã qua bậc ĐH (bạn tự giới thiệu ở phần trên) thì từng học những định luật về sự hấp dẩn của vũ trụ, định luật toán học và ngay cả định luật tiến hóa của nhà bác học Darwin, còn bị nghi ngờ về độ chính xác. Ngày nay có nhiều nhà khoa học trẽ tuổi đã chứng minh các học thuyết trên chỉ có tính cách tương đối mà thôi.

    Vẩn tiếp tục “cương cứng” bạn nói: “Nhưng tất nhiên, nếu người học đủ “công lực” để đánh giá thì vẫn học được rất nhiều điều bổ ích. Nhưng số này không nhiều. Điển hình là nhiều người học nhưng chỉ có ôn Lý Quang Diệu là chắt lọc thành một hệ thống lý luận riêng và đang là nền tảng lý thuyết cho cương trình đào tạo chính sách công của trường đào tạo chính sách công Lý Quang Diệu. Cũng như trong truyện kiếm hiệp, nếu chưa đủ công lực mà luyện quá sức thì sẽ “tẩu hỏa nhập ma” hoặc học nhưng chẳng thể bậc võ lâm chí tôn. Người học muốn làm được như Lý Quang Diệu thì trước hết phải nhìn được cái mình học như Lý Quang Diệu đã nhìn”.

    – Trong số các học viên có đủ “công lực” để thành công thì rất ít chỉ có ông cựu TT LQD của Singapore và còn ai nữa sao không bật mí ông “NMT”. KHông thấy mình bị hớ mà còn bay bổng “phan” luôn ” .Chương trình Chính sách công (MPP) ở Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu, NUS, Singapore” dạy theo hệ thống lý luận riêng và đang là nền tảng lý thuyết của LQD.

    – Toàn entry của bạn, tôi chỉ chấp nhận đoạn kết:
    “Cũng như trong truyện kiếm hiệp, nếu chưa đủ công lực mà luyện quá sức thì sẽ “tẩu hỏa nhập ma” hoặc học nhưng chẳng thể bậc võ lâm chí tôn”
    Đây là những phản hồi chân thành. Biết là bạn bệnh mới vừa khỏi, nhưng vì tình đồng điệu nên có lời thẳng thắn. Đừng giận nhé.
    nnad.

  13. Tầm Vông says:

    EM nó mới vừa “tỉnh”, xin các bác nhẹ tay cho. Cám ơn.

  14. Toi ten la Nguyen Huy The, hoc vien khoa 13 FB, xin co mot so y kien voi bac Ngo Minh Tri nhu sau:
    1. Toi hoan toan dong tinh voi y kien cua ban Nguyen Chi Hieu ve xem xet lai mot so diem nhan dinh cua bac trong bai viet, dac biet la nhan dinh “chương trình Fulbright Việt Nam có quan điểm “kinh tế thị trường là mô hình tốt nhất từ trước đến nay”. ” Nhan dinh nay cua bac la khong chinh xac dau. Toi cung khong dong tinh voi quan diem cua bac cho rang chuong trinh nay chi phu hop voi cong chuc va nhung nguoi thien ve hoat dong quan ly nha nuoc va lam chinh sach ma khong phu hop cho nhung doi tuong lam o khu vuc tu nhan.
    2. Ca nhan toi co cam nhan rang bac hoi thien kien va da bat dau bao thu roi.

    Neu co duyen ma duoc dien kien truc tiep bac co le se co nhieu dieu trao doi bo ich.

    Cam on bac da co bai viet ve FB Vietnam, cho du co mot vai diem can phai ban them.

  15. Ngô Minh Trí says:

    Có một số điều tôi nghĩ các bạn nên đọc kỹ.

    1. Việc tôi khuyên làm việc bên khu vực tư nhân nên chọn một chương trình MBA thì phù hợp hơn không đồng nghĩa với việc tôi nói rằng MPP không cần cho khu vực tư nhân.

    2. Tương tự, tôi muốn nói rằng các chương trình phi chính phủ hiện đang hoạt động tại Việt Nam chủ yếu cần đến các nhân sự chuyên sâu hơn là sử dụng nhân sự làm về chính sách. Bởi họ đã có một lực lượng chuyên gia đang làm việc.

    3. Đây là bài cung cấp thông tin và tôi có ghi rõ đây gồm cả một số ý kiến chủ quan của tôi.

    4. Một số comment ở đây khiến tôi phát hiện là ngược lại các bạn chưa tìm hiểu kỹ.

    5. Tôi đề xuất ý kiến ai phù hợp, ai không phù hợp.

    6. Tôi cũng ghi rõ về việc mình vẫn đánh giá cao cách dạy. Toi chỉ nhắc rằng cần tránh bị áp đặt về chính trị

    Cuối cùng, tôi xin chuyển đến các bạn rằng hãy đọc kỹ những gì tôi nói và ý nghĩa của bài viết này là gì. Một thói quen khó bỏ của nhiều người là ý kiến vội vã, đọc mà không ngẫm.

    • Nhân Nguyễn says:

      Bạn Trí viết về một chương trình lớn, có uy tín, có ảnh hưởng, và quan trọng đối với nhiều người, đặc biệt là các học viên trong 16 năm qua. Phần lớn bài viết chỉ mô tả sơ về chương trình. Tuy nhiên, bạn lại buông một vài câu lửng mà không phân tích sâu và không có supporting details nên tôi cũng thấy khó chịu. Giống như tôi đi kể với mọi người về bạn Trí rồi bảo mọi người rằng ông Trí viết tệ lắm, mọi người tự dùng “công lực” của mình để quyết định chứ tôi không nói gì thêm.

      Nhưng dù sao đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân của bạn Trí. Bạn Trí viết văn tốt đó.

  16. Nguyễn Quốc Tuấn says:

    NMT nên suy ngẫm ý kiến của NCHieu “ý nghĩa của việc học là vận dụng kiến thức như thế nào hơn là gắn với một công việc cố định nào đấy”. Kiến thức kg bao giờ thừa cả, bán vé số mà dc học qua kinh tế thì chắc chắn sẽ bán tốt hơn. Vì vậy, bạn NMT cho rằng “Khu vực tư nhân nên chọn MBA khác tốt hơn”, tôi cho là kg có cơ sở. Nếu bạn là dân kinh tế mà nói câu này thì cần phải xem lại kiến thức đã học, vì xét về lợi ích, chi phí thì học MPP của Fulbright hơi bị được.

    Hơn nữa, kg phải ai đi học Fulbright cũng dễ bị ảnh hưởng về cái gọi là “thiên kiến chính trị, xã hội” gì đó ? Chắc NMT nghĩ người học toàn là loại “nói sao nghe vậy” à.

  17. Minh Cuong says:

    Đọc bài này tôi thấy không thể không lên tiếng. Tôi là một cựu học viên FETP (bạn Trí gọi là Fulbright VN). Trong bài viết tôi thấy Trí đưa ra các thông tin chung về chương trình, rồi đưa ra các nhận định chủ quan, mà không có phân tích dẫn chứng cụ thể. Điều này cực kỳ tối kỵ với người làm báo. Ở trường tôi không học những gì như bạn tự đưa ra, rồi áp đặt về chương trình như: KT thị trường là tối ưu nhất, đối tượng học…
    Hầu hết những người đã học và am hiểu hơn bạn Trí về chương trình chính sách công (bạn Hiếu đang học tại Trường Lý Quang Diệu) đều đã lên tiếng.
    Vấn đề là bạn có rút ra được gì không là do bạn. Chào.

  18. thai tuan says:

    Tôi đã đọc kỹ bài viết của bạn NMT và cả phần phản hồi của độc giả nữa. Cá nhân tôi nhận thấy một số bạn độc giả có những nhận định sâu sắc và rất có trách nhiệm khi viết phản hồi cho bài viết của bạn. Tôi chỉ có vài lời để bạn cùng độc giả hiểu về FR VN hơn:
    Tôi hiện đang là công chức tại 1 tỉnh miền trung và cũng là cựu học viên Fulbright VN. Tôi thấy học ở FR VN có những cái được như sau:
    Trường FR VN đã cung cấp cho học viên 1 môi trường học tốt và đầy tính cạnh tranh. Chúng tôi chịu 1 áp lực học tập rất lớn để nuốt hết khối lượng kiến thức nhà trường đề ra trong thời gian 1 năm. Tôi cảm nhận sâu sắc được sự tận tình truyền giảng của đội ngũ giáo viên. Chúng tôi đã được cung cấp phương tiện học tập tốt nhất. FR VN không có chỗ cho gian lận, tất cả học viên đều phải tham gia học đầy đủ với sự nỗ lực cao nhất của các học viên. Học viên luôn được đối xử bình đẳng trong học tập. Bản thân tôi cũng đã phải cố gắng rất nhiều để hoàn thành được khóa học này.
    Tôi nghĩ rằng FR không chỉ bổ ích cho những người làm việc trong khu vực công như tôi mà kiến thức do FR truyền đạt cũng hết sức bổ ích cho những người làm việc trong những khu vực khác. Bạn học của tôi có đầy đủ: giảng viên đại học; công chức nhà nước; ngân hàng; tổ chức phi chính phủ, tư nhân… qua theo dõi của tôi hiện nay họ đều phát huy tốt công việc của mình.
    Còn vấn đề chính trị theo tôi chúng ta không nên nặng nề cho FR quá bởi FR VN là môi trường học tập. Chỉ học và học không bàn về chính trị, chúng tôi cũng có 1 chi bộ Đảng trong trường đấy bạn ạ.
    Ngoài ra còn có 1 vấn đề quan trọng nữa (ít ra là với tôi). Khi học ơt FR VN năm đầu bạn không những không mất học phí mà còn nhận được chút ít học bổng. Dù không nhiều nhưng cũng bằng đồng lương công chức của tôi và số tiền đó cũng đã giúp tôi rất nhiều trong cs xa nhà.
    Và lời như thế các bạn nhé!.

  19. Trung Hiếu says:

    Theo tôi biết thì những cơ sở như thế này còn thường làm công tác thu thập thông tin tình báo cho chính phủ. Không biết Fullbright Việt Nam có làm công việc đó không?

    • Ngô Minh Trí says:

      Vấn đề tình báo đã có an ninh của VN lo rồi, chúng ta là dân thường thì đừng nên can dự những chuyện đó. An ninh ta cũng nhạy lắm đấy, có khi đã có cài cắm vào rồi. Bạn lo “tập trung vào chuyên môn” của mình thì hơn.

  20. Chú Trí. Công nhận chú cũng có chú thành tựu về viết văn. Nhưng theo anh nghĩ, chú nên đi nhiều, đọc nhiều, để hiểu nhiều hơn. Chú là người lượm lặt thông tin khá tốt, toàn là ngồi đường tán dốc, rồi qua đó phán này phán nọ thôi (bằng chứng là những việc nội bộ nho nhỏ k đáng quan tâm nhưng chú lại biết). Nhưng khi phán cần phải phải có sự kiểm chứng, chú viết báo thì cũng hiểu là có kiểm tra tính trung thực của luồng thông tin.

  21. Nguyễn Hồng Văn F13 says:

    Là học viên FR khóa 13, sau khi tốt nghiệp vẫn tiếp tục công tác ở cơ quan hành chính nhà nước và tham gia giảng dạy chuyên ngành chính sách thuế, mình thiết nghĩ trong điều kiện chung hiện nay, FR VN là môi trường học tập lý tưởng nhất, xứng đáng là niềm mơ ước đạt tới về tính chuyên nghiệp trong dạy và học. Mình nghĩ không cần tranh cãi nhiều vì nếu có tham gia làm công tác hành chính nhà nước hay ở môi trường làm việc khác thì hiệu quả công việc đối với người đã tốt nghiệp FR sẽ tiến bộ rất nhiều về chất và lượng, trưởng thành hơn về mặt nhận thức, ý thức cộng đồng và hơn hết đó là “niềm tin FR”, bởi thực tế cuộc sống dù có khó khăn đến đâu vẫn được nhìn với góc độ khác hơn, vị tha hơn, và quan trọng nhất là luôn hướng về tương lai, không đánh giá vội vã qua một vài sự kiện một cách phiến diện. Mình thiết nghĩ nếu bạn nào từng dõi theo bước chân thầy Ari Koko chậm rãi khó nhọc một cách trân trọng, hiểu được sự nhọc nhằn đi lên phấn đấu của thầy từ cậu bé rồi một thanh niên làm thợ trở lại giảng đường, và giữ chức vụ quan trọng về kinh tế ở một quốc gia phát triển như Thụy Điển thì mới thấy được niềm tin trong nụ cười rất tươi của thầy đối với tương lai VN. Thiết nghĩ cảnh giác là điều tốt, nhưng tốt hơn nữa nếu chúng ta trân trọng sự giúp đỡ trong giáo dục đào tạo và góp phần phấn đấu để đạt chuẩn cao hơn hiện nay thì chúng ta mới có đủ tự tin, mới dẹp được những nghi kỵ không đáng có. Và thật sự, các nước phát triển luôn muốn tìm thêm đồng minh là xu hướng chung, bởi có lẽ không mấy ai thích ở bên cạnh 1 hàng xóm khỏe mạnh, giàu đất đai mà cứ nghèo mãi… MBA ở đâu không quan trọng, kiến thức nào còn lại sau khi tốt nghiệp, và được ứng dụng ra sao…mới là điều đáng quan tâm. Mình nghĩ bằng cấp không quan trọng hơn sự bằng lòng của chính mình, rất nhiều sinh viên FR ra trường đã luôn tìm được thành công cao hơn, hay ít nhất cũng làm ra tiền nhiều hơn khi có thêm cơ hội việc làm với chi phí học tập quá lý tưởng. Chúc sức khỏe các bạn, và hẹn gặp lại ở vấn đề khác.

  22. Nguyễn Hồng Văn F13 says:

    Thân mến,
    Mình gửi tặng các bạn chế tác tên mấy môn trong tu viện FR làm kỷ niệm để nhớ 1 thời khổ nhọc luyện công.

    Tháng Sáu trời mưa

    F13 Nguyễn Hồng Văn
    Kính tặng thầy cô
    Thân mến tặng các bạn F13

    Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt
    Trời không mưa em cũng lạy trời mưa
    Bởi dẫu trời mưa, biết mấy cho vừa
    Vào Fulbrigt đêm cứ dài vô tận

    Đôi mắt thầy Thi, xin đừng lo ngại
    Mười ngón tay đừng tà áo mân mê
    Đừng hỏi nhau rằng: có phải Fulbright
    Sao lại sợ đêm khuya, sao lại e trời sáng

    Hãy vén tóc, dỏng tai nghe thầy giảng
    Hãy nhìn lên để tránh ngủ, trời mưa,
    Hãy gửi cho nhau bài giải hôm xưa
    Có Toán, Thống kê vào chương trình rất “nhẹ”

    Hội chứng nói năng những lời vô nghĩa
    Xin hãy cười bằng bút, ngủ bằng tai
    Hãy để môn Tình huống được ru môi
    Đứng trước lớp bằng ngón tay bấn loạn

    Phòng rất lạnh, hãy cầm tay cho chặt
    Đêm có khuya xin cố thức cho ngoan
    Hãy biến cuộc đời thành những tối online
    Và đừng sợ thời gian dài vô tận

    Vi tính, kỹ năng chưa kịp ôn cho chắc
    Học kỳ hè học như chạy trời mưa
    Em vẫn cầu mưa đừng phong tỏa đường về
    Em vẫn cầu mưa mặc dù trời ảm đạm

    Đêm thức trắng em không cần ánh sáng
    Đầu óc lờ mờ em chẳng biết Vi mô
    Nếu cuộc đời không có cả Vĩ mô
    Thì em sẽ còn chi mà Phân tích

    Ai sẽ thức bên em khi đêm khuya , Tài Chính
    Bàn tay em bên phím chẳng ngừng trôi
    Lời thầy Kiều như gió thoảng bờ vai
    Và em nhớ suốt đời môn Phân tích

    Kinh tế lượng còn thật là khủng khiếp
    Tháng sáu xa rồi, thầy Hoài vẫn chưa xa
    Cứ đêm ngồi, đề án viết chưa ra
    Lại bài tập cùng bao nhiêu thắc mắc

    Mùa thu qua, học kỳ Thu xa lắc
    Bao lá vàng, trong lớp bấy em đau
    Chẳng biết thầy ( Châu )Thành có hỏi vì sao
    Đã trốn học lại còn không báo cáo?

    Cây trụi lá khi mùa đông tràn đến
    Lại thêm ngày, buốt lạnh với phòng A
    Remod cất rồi, cửa chẳng mở ra
    Dẫu run, lạnh hãy vì thầy em nhé!

    Kinh tế phát triển, học thêm bao khốn khó
    Hệ số Gini, bất bình đẳng gia tăng
    Học bổng ngày càng lúc lại khó khăn
    Khi lạm phát chạy băng vùn vụt

    Thầy Ari giảng Ngoại Thương hay tuyệt
    Đến cô Dung, những nghiên cứu xa xôi
    Lý thuyết Ngoại thương, thầy Hùng giảng qua rồi
    Vậy mà thi thì tự dưng quên mất!

    Dẫu vẫn biết thi luôn nhiều bất trắc
    Vậy mà rồi cũng qua hết mùa đông
    Hãy nhìn lên, trời đã sang xuân
    Lại chạy tiếp, kẻo mùa mưa đang đến

    Vừa ra Tết, chưa mừng vui cho hết
    Thầy tặng em bài tập để lì xì
    Oh Trời ơi, liệu còn sức mà thi
    Cho qua hết mấy môn dài sắp tới

    Vừa học qua, trở về nghe như mới
    Làm thầy Tự Anh nghe buồn biết bao nhiêu
    Nhưng thầy ơi, thế cũng đã là nhiều
    An ủi thế, thầy đừng buồn thầy nhé

    Rồi Thẩm Định, thầy Xuân Thành tăng tốc
    Bài tập đầu tuần, đếm đủ hết bàn tay
    Qua 10 bài thức trắng suốt bao ngày
    Ai thấu cảnh vô phòng thi ngủ gục

    Lại Tài chính mà đi kèm Phát triển
    Huỳnh Thế Du, lại rút thẻ kêu tên
    Thêm thầy Jay: “ Các bạn khỏe không?”
    Xin thưa thật: “ Dạ, tụi em quá mệt!”

    Dẫu biết vậy vẫn phải làm Tiếp Thị
    Tuần 3 hôm lên cướp diễn đàn
    Hết chức cao từ Bộ trưởng xếp hàng
    Đến Chủ tịch thật vô cùng danh giá

    Chuyển đổi nông thôn, miền Tây sóng gió,
    Vượt đường dài, cùng đi tới Long Xuyên
    WTO, Toàn cầu hóa, vẫn ngủ yên
    Dẫu rất đẹp nhưng còn nhiêu khê lắm

    Rồi Tài chính công, hành trình dài xa thẳm,
    Đến ngày thi còn tất tả ôn bài
    Dẫu hiểu thức khuya mới biết đêm dài
    Nhưng đêm ngắn sợ làm bài trắc trở

    10 tháng trôi qua, mới ngày nào bỡ ngỡ
    Bạn bè xa, trường mới, thầy cô
    Bài tập bộn bề, thi cử triền miên
    Bao biến tấu buồn vui, không tả được

    Thôi, hãy tạm xa, đường dài phía trước
    Hẹn với thầy, năm tới, MPP
    Mong lại rồi được sắp chỗ, gọi tên
    Fulbright mãi là ngôi sao màu lửa!

    Tháng 6 – 2008
    ( Kỷ niệm tuần cuối cùng của Fulbright 13)

  23. TTTH says:

    Đồng ý với NMT về “thiên kiến chính trị” trong tất cả các chương trình học PP và PA trên toàn thế giới, nếu không có nó thì các chương trình nay chỉ đơn thuần cung cấp những công cụ phân tích mà thôi! Tôi rất yêu các chương trình này!

  24. ha says:

    các anh nói chuyện nhảm như cục gạch, khoe mẽ quá, tôi ko học Fb, chỉ là tự nghiên cứu nhưng có thể nói các anh nói chuyện phù phiếm,
    Tự đào tạo, tự chiêm nghiệm, từ thực tế là quan trọng. còn tổng hợp được lại thành 1 câu hay thì là kiến thức, chứ ngồi một chỗ ráng nhai đi nhai lại các khái niệm cùng lắm các anh có cái vé thôi (bằng cấp)
    – khuyên mấy anh không nên võ đoán, mở doanh nghiệp đi – lăn lộn thử -> hiểu ngay chính sách.
    – đầu tư đi ( chứng khoán, forex) -> hiểu ngay tác dụng chính sách, mặt mạnh hay yếu của kinh tế thị trường,
    – con người làm ra giá trị của họ bằng hành động : thành quả là tiền, hay danh vọng, các anh có 1 tỷ usd bằng việc đi học và học đại hay học gì đó… chưa? nếu có thì hay hợm hĩnh , đừng hỏi vì sao mình nghèo mà giỏi mà hãy hỏi vì sao mình giỏi mà nghèo.
    – túm áo lại là: quý vị chẳng ra sao…

  25. hồng điệp says:

    anh Minh Trí ui! cho em hỏi chương trình học Fulbright học phí là bao nhiêu vậy anh?

    • Ngô Minh Trí says:

      Nếu bạn thi đậu, chương trình Fulbright tại Việt Nam không thu học phí và bạn còn được hỗ trợ khoảng tiền tương đương 80 USD mỗi tháng trong năm học đầu tiên

  26. Việt Dũng says:

    Tôi đã trúng tuyển Fulbright VN khóa 4, đọc comment của các anh chị mà thấy băn khoăn không biết có nên theo học không vì tôi làm ở 1 đơn vị nhà nước chuyên ngành không liên quan gì đến chính sách hay kinh tế hết, tôi định đi học để chuyển sang công tác khác vì thấy công việc hiện tại không phù hợp với mình. Mong được lời khuyên của các anh chị 🙂

    • Ngô Minh Trí says:

      chào bạn. Chắc bạn cũng đọc thấy khá nhiều ý kiến chỉ trích bài viết này của tôi. Thực sự, tôi viết bài này chỉ nhằm đưa ra một số góc nhìn cho mọi người tham khảo. Mọi sự học đều tốt nhưng hiệu quả thực sự thì tùy vào mỗi người. Những lời tung hô chương trình này thì có nhiều, nên tôi nói thêm sẽ thừa. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một số ý sau: chương trình này sẽ không có sự chứng nhận của trường chính sách công Kennedy (trên bằng tốt nghiệp của khóa 1 đã thể hiện như thế, khóa 2 vừa tốt nghiệp thì tôi không chú ý lắm), giáo trình dạy thì đúng là lấy từ trường Kennedy. Chương trình học chủ yếu tập trung vào việc ra chính sách kinh tế, điều đó sẽ rất kén chọn người học để có công việc thích hợp về sau. Nhưng cũng cần chú ý là lý thuyết về chính sách kinh tế vẫn còn rất nhiều tranh cãi và ngay cả Mỹ thì ko phải lúc nào họ cũng tuân thủ các lý thuyết đó. Đại ý là như vậy, chúc bạn có chọn lựa phù hợp!

  27. HieuDung says:

    Dù biết bài này sư huynh tặng cho em, và cảm hứng viết bài thì có từ 1 cựu học viên cua fetb. E thấy vài bác comment cũng có ly. Dù sao thì e cũng không nghe theo lời khuyên của bác rồi. Tháng 10 này e nhập học.

    • Ngô Minh Trí says:

      🙂 Hồi giờ, anh chưa bao giờ bảo chú ko nên học, bài viết cũng ghi rõ là vài lời góp ý. Ngoài ra, bài này được viết trước sự kiện chú nói. Anywaz, good lucks to you!

  28. hoangtubevn says:

    Có anh nào là học viên fulbright cho mình được làm quen với.
    Mình có ý định thi vào đây nên có nhiều thắc mắc muốn lĩnh hội các bạn…
    Email của mình là thanhcat72@yahoo.com.vn

  29. diemhang says:

    Em đang làm trong lĩnh vực ngân hàng. Em cũng muốn xin học bổng fb, nhưng lại phân vân vì không biết học có phù hợp với chuyên môn của mình không. Ai từng là học viên fb cho em ý kiến với ạ

  30. thu ha says:

    salem:
    mình cũng chuẩn bị cho kỳ thi mpp khoá tới, ai là học viên của fb cho mình ít thông tin để làm bài thi tốt. tks! email mình: salemktkt@yahoo.com

Gửi phản hồi cho Nguyễn Quốc Tuấn Hủy trả lời