BÌNH LUẬN VỘI VÃ

Vẫn tự nhủ sẽ đứng ngoài cuộc thị phi trên thế giới ảo. Tuy nhiên, đọc bài viết “Bà Clinton đã thất bại ra sao tại Bắc Kinh?” thì chẳng thể không nói. Tôi xin đi vào từng phần bài viết và đánh giá bằng những nhận định khách quan.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa – Ảnh: Thanh Niên

Phần thứ nhất không có gì quan trọng vì đoạn này chỉ mang tính chất gợi mở để nói đến chuyến đi chẳng mấy thuận buồm xuôi gió của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Ai bị động?

Đoạn tiếp theo là: “Bó tay trước Bộ trưởng Trung Quốc!”. Trong phần này, hình như tác giả chỉ xét đến mỗi điểm đến Trung Quốc. Tuy nhiên, nước này chỉ là một trong 6 điểm đến trong chuyến công du của bà Clinton kéo dài từ ngày 30.8 – 9.9. Sáu điểm đến bao gồm: quần đảo Cook, Indonesia, Trung Quốc, Đông Timor, Brunei và Nga. Trong số này, Nga là điểm mà bà Clinton phải đến để dự APEC thay Tổng thống Mỹ Barack Obama bận chuyện tranh cử. Với 5 điểm còn lại thì hết 4 điểm đến nhằm mục tiêu bao vây Bắc Kinh.

Cụ thể, bà Clinton đến quần đảo Cook để dự Hội nghị thượng đỉnh Nam Thái Bình Dương nhằm đảm bảo ảnh hưởng tại đây, vốn là khu vực cửa ngõ nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Khi Washington giữ vững Nam Thái Bình Dương, Bắc Kinh khó có cơ hội đặt căn cứ chuyển tiếp tại đây để vươn ra Ấn Độ Dương, tạo ảnh hưởng ngược lên Trung Đông và Địa Trung Hải.

Điểm đến thứ hai là Indonesia. Giới phân tích đều hiểu rằng Indonesia đang muốn nhấn mạnh vai trò tại ASEAN nên vừa qua rất năng nổ trong việc giải quyết bất đồng tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN. Sau đó, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa ngược xuôi để ra được tuyên bố 6 điểm về biển Đông. Vì thế, Washington đang ra sức gia cố quan hệ với Jakarta để tranh thủ ảnh hưởng. Giữa tháng 8, không chỉ đẩy nhanh kế hoạch tài trợ chiến đấu cơ F-16 cho Indonesia, Washington còn tuyên bố sẵn sàng cung cấp thêm loại máy bay này cho Jakarta. Trước chuyến đi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố với báo giới một cách rõ ràng rằng: biển Đông là một trong những nghị trình quan trọng chính yếu của đợt công du. Trong chuyến công du trên, khi máy bay đang lơ lửng giữa không trung để đến Indonesia – điểm đến thứ hai, bà Clinton đã đưa đi thông điệp rõ ràng về biển Đông. AFP dẫn lời bà tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng các nước trong khu vực nên cộng tác cùng nhau để giải quyết tranh chấp mà không hề bị ép buộc, đe dọa hay sử dụng vũ lực”. Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định nước này có “lợi ích quốc gia” trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định trên biển Đông. Đây là thông điệp rất rõ ràng cho Trung Quốc, điểm đến thứ ba. Lời tuyên bố như thế là quá rõ ràng về quan điểm của Mỹ đối với biển Đông.

Chưa vội bàn việc bà Clinton đến Trung Quốc. Hai điểm đến tiếp theo là Brunei và Đông Timor. Với Brunei, đây sẽ là nước giữ ghế chủ tịch ASEAN vào năm sau. Vì thế, người ta có quyền xem chuyến thăm đến Brunei là nỗ lực của Mỹ nhằm vận động hành lang, tránh để lặp lại sự cố Campuchia như vừa qua. Cuối cùng, Đông Timor, một nước khá thân cận với Indonesia và cũng là thành viên sắp tới của ASEAN. Việc tranh thủ Đông Timor cũng là cách để Mỹ cạnh tranh nhằm có thêm sự ảnh hưởng tại ASEAN.

Với một nội dung công du như thế, chắc chắn, Washington từ sớm chẳng kỳ vọng bà Clinton sẽ được đón tiếp nồng ấm tại Bắc Kinh. Sự lạnh nhạt của Trung Quốc là dễ hiểu. Đồng thời, đó là sự lạnh nhạt thụ động khi Mỹ đi “ngoại giao” nhưng từ sớm thể hiện rõ thái độ “bao vây”.

Cũng chính vì vậy, việc Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tỏ ra cứng rắn cũng là điều dễ hiểu. Có lẽ, với những bộ não đầy sạn tại Washington thì họ cũng đã dự tính trước kịch bản trên. Vì thế, chẳng có bẫy nào ở đây để Ngoại trưởng Clinton “sập” đến mức “Bó tay trước Bộ trưởng Trung Quốc” như bài viết của tác giả Danh Đức đề cập.

Phần tiếp theo của bài viết là: “Phục hận năm xưa”. Theo những gì vừa đề cập, Bắc Kinh đang phản ứng thụ động chứ chẳng phải “phục hận” bằng một chiếc bẫy giăng từ sớm. Trong phần này, tác giả còn cho rằng “chỉ hai giờ trước khi bà Clinton rời Bắc Kinh, loan báo tin truy tố Vương Lập Quân, nguyên giám đốc Công an Trùng Khánh, từng tìm cách xin tị nạn trong Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô vào tháng 2 vừa qua”. Thực tế, việc loan tin (không chính thức) thời điểm xét xử ông Vương đã có từ hồi cuối tháng 8. Mãi đến ngày 14.9, tòa án TP. Thành Đô, Trung Quốc, mới chính thức đưa tin xét xử ông Vương vào ngày 18.9. Vì thế, dựa vào tình tiết trên để bình luận thì hơi võ đoán. Ngoài ra, tác giả quên rằng, một đại diện của Bắc Kinh vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để “đón” Vương Lập Quân đi về. Điều đó được xem là một trong những bằng chứng cho thấy ông Vương thực sự không có nhiều giá trị để Mỹ phải giữ lại.

Nhập nhằng nợ nần

Tiếp đến, trong phần: “Nợ vay khó trả”, tác giả dùng việc TQ đang là chủ nợ lớn của Mỹ để chứng minh Washington lệ thuộc Bắc Kinh. Nợ công của Mỹ đang là 16.000 tỉ USD nhưng tín nhiệm tín dụng nước này khác xa các quốc gia Nam Âu. Khi cần, Mỹ thừa sức huy động thêm tiền ngàn tỉ để trả TQ.

Tuy nhiên, thực tế Bắc Kinh khó dùng chuyện nợ để uy hiếp Washington vì đó cũng là cái giá mà TQ đang trả vì tăng trưởng kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu. Dân TQ còng lưng làm để dân Mỹ ra sức xài, Bắc Kinh nhận về đống giấy nợ vô tri vô giác. Dự trữ ngoại tệ nhiều nhưng dự trữ vàng, tính ổn định cao hơn, đang là thách thức của TQ. Vàng vẫn là thứ bảo chứng hữu hiệu hơn đống giấy nợ kia. Có thời gian, sẽ phân tích kỹ hơn về quá trình Mỹ bảo chứng USD bằng vàng với tỉ giá cố định 35 USD cho 1 ounce vàng. Phân tích chuyện này mới thấy Mỹ ăn dày và chắc như thế nào trong suốt gần 30 năm từ thập niên 1940 đến 1970.

Philippines hết cần Mỹ?

Phần cuối cùng, tác giả đặt câu hỏi: “Quan hệ Mỹ – Philippines có xuống cấp?”. Tác giả Danh Đức sử dụng sự kiện Philippines mua Airbus mà không mua Boeing để góp phần định hướng câu trả lời. Thực tế cho thấy, một hợp đồng trị giá 7 tỉ USD thì chắc chắn phải được bàn thảo từ rất lâu, trong khi Trung Quốc – Philippines chỉ mới căng thẳng quá mức từ sau vụ đụng độ ở bãi cạn Scarborough vào ngày 10.4. Ngoài ra, cũng cần xét đến yếu tố khách quan là hợp đồng trên của hãng hàng không thương mại nên phụ thuộc vào loại máy bay mà họ chọn lựa thì Airbus hay Boeing mạnh hơn. Mỹ chẳng thể ngang ngược đến mức ép buộc đối tác phải mua hàng ngay cả khi không phù hợp.

Tiếp theo, tác giả bình luận về việc tàu tuần duyên BRP Gregorio del Pilar. Ở đây, không rõ là tác giả viếc sai hay vì lỗi biên tập, chiếc tàu trên là tàu “tuần duyên” không phải “tuần dương” như bài viết đề cập. Hai loại tàu này rất khác nhau về qui mô. Tác giả cũng cho rằng vì không được Mỹ đưa cho tàu xịn nên Philippines chuyển qua cầu viện Nhật Bản và được viện trợ 12 tàu tuần tra (cỡ nhỏ). Thực tế, Nhật Bản chưa chính thức công bố  sẽ cung cấp loại tàu đến mức độ nào và ưu đãi ra sao. Ngoài ra, Tokyo và Manila đã thảo luận việc viện trợ trên từ lâu, chỉ là công bố rộng rãi trong một thời điểm nhạy cảm. Từ năm 1990, Nhật Bản đã bắt đầu chương trình hỗ trợ hiện đại hóa Lực lượng tuần duyên Philippines. Đây cũng là một phần trong nỗ lực của Tokyo nhằm thắt chặt quan hệ tại Đông Nam Á. Ngoài ra, trong tình thế hiện tại, Philippines chẳng có lý do gì để từ chối những viện trợ như thế. Vì thế, sẽ rất gượng ép khi đánh giá động thái nhận viện trợ đã chứng minh quan hệ Washington – Philippines xuống cấp. Ngoài ra, tác giả cho rằng “Bực dọc, Philippines gõ cửa chỗ khác tự mua cũng chính các khẩu phòng không hai nòng tác xạ tự động Mk.38 để cho tàu của mình đừng trở thành “bia bắn””. Là một người từng có nhiều bài viết về quân sự, tác giả Danh Đức thừa hiểu rằng khẩu MK.38 chẳng giúp gia tăng thêm sức mạnh đáng kể cho tàu chiến. Đồng thời, tác giả cũng bỏ qua chi tiết Bộ Quốc phòng Philippines ngày 10.9 tuyên bố sẽ lắp tên lửa đối hải Harpoon cho tàu chiến BRP Gregorio del Pilar. Harpoon là tên lửa trứ danh của Mỹ chuyên chống tàu chiến. Không cần bàn thêm cũng hiểu việc trang bị loại hỏa tiễn này sẽ tăng thực lực thế nào cho tàu chiến Philippines. Đó là chưa nói đến việc tàu chiến Mỹ liên tục cập cảng Philippines trong thời gian qua. Diễn biến này là những động thái có tác động lớn về chính trị lẫn ngoại giao.

Xin kết thúc tại đây và bỏ qua việc đánh giá  quan điểm cá nhân của bài viết.

Ngô Minh Trí