NHẬT BẢN HỒI PHỤC SAU THIÊN TAI: NHỮNG THỬ THÁCH LỚN

Thị trường chứng khoán khởi sắc, nhờ những dự báo tăng trưởng sản lượng sản xuất, đã không đủ sức làm cho các hãng xếp hạn ko hạ tín nhiệm tín dụng đối với Nhật Bản (ảnh: Reuters)

 Sau cơn thiên tai kép vào 03.2011, Nhật Bản kỳ vọng sẽ có những bước phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế bị suy thoái. Thế nhưng, thực tế đang đặt ra cho Nhật Bản nhiều thử thách lớn, nếu không muốn nói là nan giải.

Rủi ro tiềm ẩn

Người Nhật đã nhanh chóng nhận được những tín hiệu đáng mừng về sự phục hồi sau cơn thiên tai kép ngày 11.03.2011. Sản lượng công nghiệp tháng 04.2011 đã tăng lên và các nhà sản xuất Nhật Bản đã tỏ ra rất hào hứng lập kế hoạch đẩy mạnh sản xuất để năn suất sản xuất trong tháng năm và tháng sáu sẽ nhanh chóng đạt mức trước thiên tai. Theo Reuters, mặc dù dữ liệu về sản xuất cho thấy sản lượng sản xuất của Nhật Bản chỉ tăng 1% trong tháng tư, thấp hơn so với mức dự báo trung bình của các nhà kinh tế là 2,8%, nhưng kế hoạch của các nhà sản xuất đề ra một sự phục hồi nhanh chóng từ mức sụt giảm kỷ lục là 15,5% do hậu quả trực tiếp của cơn thiên tai. Theo số liệu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, các nhà sản xuất Nhật Bản dự báo mức tăng của sản lượng sản xuất là 8% trong tháng năm và 7,7% vào tháng sáu. Một số kinh tế gia còn cho rằng Nhật Bản sẽ phục hồi nhanh chóng. Nhật xét trên Reuters, Kyohei Morita, kinh tế gia trưởng tại Barclays Capital Nhật Bản, cho rằng: “Từ tháng năm, một sự phục hồi theo hình chữ “V” có thể bắt đầu và sản lượng đầu ra có thể vẫn tăng trong suốt tháng bảy và tháng tám với tốc độ tương tự như những dự đoán cho tháng năm và tháng sáu”.

Tuy nhiên, sự lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Nhật Bản trong dài hạn đã bị kiềm lại bởi sự lo ngại tình trạng mất điện sẽ diễn ra trong giai đoạn cao điểm là mùa hè, cũng như những bất đồng chính trị giữa các đảng phái có thể trì hoãn các chương trình chi tiêu xây dựng. Kyohei Morita cũng có lo ngại này khi nói: “Một rủi ro là những gì các chính trị gia sẽ làm trong tháng sáu. Nếu họ tổ chức một cuộc bầu cử bất ngờ, điều đó sẽ trì hoãn gói ngân sách mở rộng lần hai”. Hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng Moody’s cũng có cùng nhận xét: “Chính phủ dự định giới thiệu một chương trình cải cách thuế toàn diện vào tháng sáu. Tuy nhiên, sự chia rẻ trong nghị viện Nhật Bản và sự tăng cường mức độ thử thách chính trị đối với thủ tướng Naoto Kan kết hợp lại sẽ tiếp tục đe doạ làm sa lầy nỗ lực trên”. Thủ tướngNaotoKan đang bị giảm mất tín nhiệm trong thời gian qua. Cuộc khảo sát được thực hiện bởi báo Nikkie và TV Tokyo vào ngày 29.05.2011 cho thấy tỷ lệ ủng hộ ôngNaotoKan chỉ còn 28%.

Tín nhiệm tín dụng giảm, thất nghiệp tăng

Vì thế, dù thị trường chứng khoán Nhật đã tăng 2% sau những dự báo về việc tăng nhanh sản lượng sản xuất, nhưng những rủi ro có thể xảy đến cho nền kinh tế Nhật Bản đã làm cho tín hiệu lạc quan trên không đủ sức cứu vãn đánh giá về nền kinh tế Nhật Bản của các công ty xếp hạng tín dụng. Vào ngày thứ ba 31.05.2011, công ty xếp hạng tín dụng Moody’s đã cho biết sẽ đưa hạng tín nhiệm tín dụng Aa2  của Nhật Bản vào triển vọng tiêu cực, mức Aa2 là mức mà Moody’s đã xếp hạng đối với Nhật Bản vào tháng hai. Theo Wall Street Journal, cơ quan xếp hạng tín dụng này cho rằng việc đánh giá lại mức tín nhiệm tín dụng đối với Nhật Bản là vì: “quan ngại tăng cao về sự chùn bước của những kỳ vọng tăng trưởng kinh tế và sự phản ứng chính sách yếu ớt sẽ tạo ra nhiều thử thách hơn đối với chính phủ trong việc tạo thành và đạt được mục tiêu cắt giảm thâm hụt đáng tin cậy”.

Nợ công tương đương 200% GDP vốn dĩ đang là thử thách mà Nhật Bản chưa có biện pháp cải thiện khả thi trước cơn thiên tai, thì nay thử thách này lại càng lớn hơn vì Nhật Bản cần tăng cường chi tiêu để phục hồi nền kinh tế. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế ước tính nợ công của Nhật Bản sẽ tương đương 219% GDP trong năm tới. Trong cuộc khảo sát của báo Nikkie và TV Tokyo, có đến 46% người được hỏi đã phản đối việc tăng thuế như một biện pháp để chi trả cho việc xây dựng sau động đất. Thủ tướngKantừng tuyên bố sẽ nâng 5% thuế tiêu dùng để cắt giảm nợ công.

Không riêng gì Moody’s, nhiều cơ quan xếp hạng tín dụng khác cũng đánh giá thấp kỳ vọng tín dụng đối với nợ công của Nhật Bản. Trước khi Moody’s hạ thấp mức tín nhiệm tín dụng của Nhật Bản, Fitch cũng đã hạ mức tín nhiệm tín dụng của Nhật Bản xuống còn AA- vào thứ sáu tuần trước 27.05.2011. Trước đó nữa, Standar & Poor’s cũng đã hạ mức tín nhiệm tín dụng của Nhật Bản xuống còn AA- vào tháng tư. Trong thang đánh giá của Moody’s, mức xếp hạng Aa2 là mức cao thứ ba và cao hơn mức AA- của Fitch hay Standar & Poor’s. Xa hơn, Fitch còn cảnh báo một viễn cảnh tiêu cực đối với nền kinh tế Nhật Bản. Đó là cơn thiên tai đang thúc đẩy các nhà sản xuất di chuyển việc sản xuất ra nước ngoài, điều này sẽ làm cho mất đi vĩnh viễn một sản lượng đáng kể của nền sản xuất Nhật Bản.

Không chỉ đối mặt với nguy cơ nợ công cũng như sự chia rẻ của các chính trị gia, Nhật Bản đang phải chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ mức 4,6% trong tháng ba lên thành 4,7%. Tỷ lệ sẵn có của công việc cũng giảm từ mức 0,63 của tháng ba xuống còn 0,61, thấp hơn mức 0,62 mà các nhà kinh tế kỳ vọng. Tỷ lệ 0,61 sẵn có của công việc nghĩa là có 61 công việc cho mỗi 100 người tìm việc.

Ngô Minh Trí  – đăng trên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn 02.06.2011

Giới thiệu Ngô Minh Trí
Ngô Minh Trí Saigon - Vietnam

Bình luận về bài viết này