ASEAN TRƯỚC NHỮNG THÁCH THỨC

Khối ASEAN đang loay hoay trước những thách thức (ảnh: Internet)

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 18 đã khép lại mà không có thành quả nào đáng kể trong khi ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong và ngoài khối.

Trước khi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 18 diễn ra tại thủ đô Jakarta, Indonesia, trong hai ngày 07 và 08.05.2011, báo Straits Times (Singapore) đã đăng bài “Xung đột che phủ hội nghị cấp cao ASEAN” (Conflicts cloud ASEAN summit). Thực tế là như thế! Cuộc xung đột biên giới, bắt đầu từ cuối tháng tư vừa qua, giữa hai thành viên của ASEAN là Thái Lan và Campuchia đã khiến cho 18 người thiệt mạng và khoảng 85.000 người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Bangkok Post (Thái Lan) dẫn lời tổng thống Philippine Benigno Aquino nói với phóng viên trước thềm hội nghị rằng sự đoàn kết của ASEAN có thể bị đe doạ và quan ngại cuộc xung đột có thể tồi tệ hơn.

Thế nhưng, kết thúc hội nghị cấp cao ASEAN, lãnh đạo các nước thành viên của khối chỉ đi đến một tuyên bố chung rằng xung đột “nên được giải quyết một cách thân thiện trên tinh thần của sự đoàn kết ASEAN”. Cuộc họp ba bên giữa tổng thống Indonesia, chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, thủ tướng Campuchia và thủ tướng Thái Lan cũng không khai thông được bất đồng giữa hai nước. Thái Lan cho phép bố trí quan sát viên quân sự của Indonesia tại khu vực xung đột nếu Campuchia triệt thoái quân đội khỏi khu vực ấy – một điều kiện mà Campuchia cho là phi lý và không thể chấp nhận được. Các bộ trưởng ngoại giao Thái Lan và Campuchia phải ở lại Jakarta thêm một ngày sau hội nghị thượng đỉnh để tiếp tục họp kín với ngoại trưởng nước chủ nhà trong một cuộc họp kéo dài ba tiếng đồng hồ mà ngoại trưởng Indonesia cho là “có tính xây dựng và hiểu biết lẫn nhau” nhưng kết quả như thế nào, hai bên có đạt được thoả thuận hay không, nội dung thoả thuận như thế nào, cho đến nay vẫn chưa có thông tin chính xác nào được tiết lộ cho báo chí.

Như vậy, ASEAN đã không giải quyết được xung đột giữa Thái Lan và Campuchia. Báo Bangkok Post đã không ngần ngại bình luận là “ASEAN có lập trường nhút nhát”. Lý giải cho thất bại này, Banbarto Bandoro, giáo sư về quan hệ quốc tế tại đại học quốc phòng Indonesia, phát biểu trên New York Times rằng ASEAN bị hạn chế trong việc giải quyết vấn đề của các thành viên vì “nguyên tắc không can thiệp”. Ông Banbarto Bandoro nhận xét thêm: “Nếu các quốc gia ASEAN tiếp tục giữ vững nguyên tắc không can thiệp được gọi là thiêng liêng, thì tôi cảm thấy bi quan với việc ASEAN sẽ có khả năng giải quyết các vấn đề trong tương lai”.

Quả thực, kỳ vọng vào khả năng của ASEAN đã bị giảm đi sau sự thất bại này. Mục tiêu của đề án phát triển cộng đồng kinh tế chung cho ASEAN vào năm 2015, để người dân và hàng hoá các nước thành viên có thể tự do di chuyển, cũng bị nghi ngờ về khả năng thành công. ASEAN luôn kỳ vọng rằng sự thống nhất sẽ tạo đà phát triển cho một khu vực kinh tế trị giá 1.800 tỷ đô la Mỹ với hơn nửa tỷ dân. Nhưng như tổng thống Philippine Benigno Aquino cũng tỏ rõ sự lo ngại: “Làm thế nào chúng ta có thể có một ASEAN như một gia đình khi mà hai thành viên chính không thể giải quyết vấn đề của họ?”.

Ngoài xung đột biên giới Thái Lan – Campuchia, nội bộ ASEAN đã tồn tại không ít các bất đồng và va chạm quyền lợi; điển hình là vấn đề đập thuỷ điện Xayaburi gần đây. Tuy dự án Xayaburi đã được tạm hoãn nhưng đó cũng là bằng chứng rõ ràng nhất cho việc thiếu sự hợp tác đầy đủ giữa các nước thành viên Uỷ hội sôngMekongvà cũng là các thành viên của ASEAN. Xayaburi chỉ là một trong hàng loạt các dự án thuỷ điện đang gây tranh cãi giữa các thành viên của khối.

Sự đoàn kết của ASEAN còn bị thử thách bởi các quốc gia ngoài khối. Điển hình như quan hệ giữa các thành viên của ASEAN với Trung Quốc. Trước khi hội nghị cao cấp ASEAN lần thứ 18 diễn ra, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tiến hành công du đến hai thành viên của khối ASEAN là Malaysia và Indonesia. Ông Ôn Gia Bảo đã ca ngợi Malaysialà: “người anh em tốt, người hàng xóm thân tình”. TạiIndonesia, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cam kết những khoản đầu tư nhiều tỷ đô la Mỹ cho nước này.  Các thành viên của ASEAN đang có những lợi ích riêng biệt trong quan hệ với Trung Quốc mà nhiều khi lợi ích đó hoàn toàn không phù hợp với quyền lợi chung của nhóm.

Khi ASEAN không chứng minh được sự thống nhất và đoàn kết của khối thì kỳ vọng xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) vào năm 2012 cũng trở thành một thử thách. Trong thực tế, ASEAN và Trung Quốc đã ký một Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn chưa có một bước tiến nào để biến thành các quy định cụ thể.

Trong ngắn hạn, thử thách cho ASEAN còn là vấn đềMyanmarđảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2014. Nếu ASEAN không đồng ý cho Myanmar làm chủ tịch luân phiên thì rất dễ gây rạn nứt nội bộ, nhưng nếu ASEAN đồng ý thì sẽ khó xử trong quan hệ với phương Tây khi mà phương Tây đưa Myanmar vào nhóm quốc gia vi phạm nhân quyền. ASEAN sẽ phải quyết vấn đề trên trong hội nghị cấp cao lần thứ 19 tới đây tạiBali.

Một khối liên quốc gia như ASEAN chỉ thực sự mạnh mẽ khi có thể giải quyết được vấn đề của các thành viên cũng như sự thống nhất của khối. Thế nhưng, ASEAN đang loay hoay trong các thử thách trên.

Ngô Minh Trí – bình luận đăng trên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn 12.05.2011

Giới thiệu Ngô Minh Trí
Ngô Minh Trí Saigon - Vietnam

Bình luận về bài viết này