THỦ TƯỚNG TRUNG QUỐC CÔNG DU CHÂU ÂU: THAY ĐỔI MỤC TIÊU ĐẦU TƯ

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (bìa trái) gặp gỡ nội các chính phủ Đức, ngày 28.6.2011, nhắm tới đẩy mạnh thương mại giữa hai quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới sẽ đạt ít nhất 200 tỉ euro trong vòng 5 năm tới. Ảnh: Reuters.

Thông qua chuyến công du của thủ tướng Ôn Gia Bảo, Trung Quốc một lần nữa thể hiện rõ mục tiêu gắn kết chặt chẽ hơn với cựu lục địa bằng lợi thế dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình.

Chuyến thăm ba nướcHungary, Anh và Đức của thủ tướng Ôn Gia Bảo kết thúc trong tiếng vỗ tay mừng các hợp đồng đầu tư và thỏa thuận thương mại được ký kết trị giá hàng tỉ USD.

Những khoản đầu tư hấp dẫn

Theo Trung Hoa nhật báo, thủ tướng Ôn Gia Bảo trở thành thủ tướng Trung Quốc đầu tiên viếng thămHungarytrong 24 năm qua. Hiện tại,Hungaryđang là đối tác quan trọng của Trung Quốc tại khu vực trung và đông Âu. Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương giữa hai quốc gia đã đạt 8,72 tỷ USD, tăng 28,1% so với năm 2009.

Reuters cho biết Trung Quốc đã đem đến choHungarycác khoảng đầu tư hấp dẫn trị giá nhiều tỷ USD trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng như: công nghệ, hóa chất, hàng không, đường sắt… Nổi bật trong số đó có dự án trung tâm cung ứng châu Âu của tập đoàn viễn thông Huawei, Trung Quốc, đặt tại Hungary, nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trị giá 1,2 tỷ USD trong năm nay của Huawei và có thể tạo ra khoảng 3.000 việc làm. Ngân hàng Trung Quốc cũng đã ký thỏa thuận tài trợ 1,1 tỷ Euro (tương đương 1,56 tỷ USD) cho công ty hóa chất nằm ở miền nam Hungary là BorsodChem, vốn đã nằm dưới quyền kiểm soát của tập đoàn hóa chất Wanhua của Trung Quốc từ đầu năm nay.

Tương tự như vớiHungary, thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã đem đến cho Anh và Đức một số khoản đầu tư cũng như các thỏa thuận thương mại song phương. Trung Quốc và Anh đã công bố thỏa thuận trị giá khoảng 1,4 tỷ bảng Anh (tương đương 2,3 tỷ USD) và đặt ra mục tiêu thương mại song phương Trung – Anh sẽ tăng gấp đôi hiện tại, đạt 100 tỷ USD, vào năm 2015. Theo các nguồn tin, thủ tướng Ôn Gia Bảo có thể công bố đơn đặt hàng 62 chiếc Airbus A320 tại Berlin, Đức, điểm đến cuối cùng của chuyến công du. Việc công bố phụ thuộc vào khả năng giải bất đồng về kế hoạch giới hạn khí thải của EU.

Tranh thủ ảnh hưởng châu Âu

Không chỉ để làm ấm thêm quan hệ hai nước, chuyến thăm lần này của thủ tướng Ôn Gia Bảo còn có ý nghĩa với cả khu vực đông và trung Âu cũng như cả châu Âu. Tại Hungry, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tham dự Diễn đàn kinh tế và thương mại các quốc gia Đông và Trung Âu diễn ra vào ngày 25.6.2011 tại Budapest, đồng thời Hungary hiện là chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu. Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia Đông và Trung Âu đã tăng nhanh từ con số kim ngạch thương mại song phương chỉ 3 tỷ USD năm 2000 lên 40 tỷ USD năm 2010, tức tăng trưởng trung bình 32% mỗi năm. Liên minh châu Âu hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với kim ngạch thương mại song phương đạt 400 tỷ Euro (tương đương 573 tỷ USD)

Trong chuyến công du, thủ tướng Ôn Gia Bảo một lần nữa nhấn mạnh thông điệp rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài cho các khoản nợ công của khu vực sử dụng đồng Euro. Tháng 10 năm ngoái, thủ tướng Ôn Gia Bảo lần đầu tiên đưa ra thông điệp trên. Mục tiêu đẩy mạnh quan hệ với EU của Trung Quốc được bài báo trên Wall Street Journal bình luận rằng đó là chỉ dấu cho sự thay đổi đầu tư của Trung Quốc từ Hoa Kỳ sang châu Âu. Thông qua các hoạt động thương mại, đầu tư, Trung Quốc muốn gia tăng ảnh hưởng trong quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), định chế có truyền thống do người châu Âu nắm quyền lãnh đạo. Đầu tháng này, tổng giám đốc IMF, thay thế ông Dominique Strauss Kahn, là bà Christine Lagarde đã khẳng định ủng hộ tăng quyền biểu quyết của Trung Quốc trong IMF từ mức 3,65% lên thành 6,4%.

Ngô Minh Trí (tổng hợp) – Sài Gòn Tiếp Thị Online 29.06.2011

KẾ HOẠCH KHỐNG CHẾ KHÍ THẢI CỦA CHÂU ÂU BỊ PHẢN ĐỐI MẠNH

Trung Quốc doạ ngừng mua máy bay Airbus A380 để phản đối kế hoạch khống chế khí thải của châu Âu. Ảnh: AP

Nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc cùng nhiều hiệp hội hàng không đã chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch khống chế khí thải của châu Âu. Trung Quốc còn dọa hủy hợp đồng mua máy bay Airbus để chống lại kế hoạch trên.

Mới đây, chính quyền Trung Quốc đã quyết định đóng băng tạm thời kế hoạch mua 10 chiếc máy bay Airbus A380 của Hongkong Airlines. Trước đó, Hongkong Airlines đã gần như hoàn tất thỏa thuận đặt mua 10 máy bay Airbus A380 trị giá 4 tỉ USD tại triển lãm hàng không tổ chức tại Paris vừa qua. Theo Wall Street Journal, một người khá thân cận với phía châu Âu trong đàm phán thương mại trên đã tiết lộ rằng: “Người Trung Quốc nói trực tiếp với chúng tôi rằng các hãng hàng không của họ không được phép giao dịch với châu Âu”.

Hiện tại, quyết định trên của Trung Quốc có thể chưa đủ sức làm tổn thương nhà sản xuất máy bay của châu Âu, bởi Airbus đang có đơn đặt hàng lên đến hơn 3.500 chiếc máy bay của khách hàng toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó mang ý nghĩa rất lớn khi Trung Quốc đang là thị trường tăng trưởng lớn nhất toàn cầu. Năm 2009, Airbus đã mở một nhà máy lắp ráp máy bay ở Thiên Tân, Trung Quốc, để khai thác thị trường nội địa của nước này. Airbus cũng đã hy vọng một đơn hàng lớn sẽ được chính thức công bố khi thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo gặp thủ tướng Đức Angela Merkel tạiBerlin(Đức) trong tuần này. Thế nhưng, một trong những người thạo tin cho rằng hợp đồng được dự trù trước đó có thể bị thu hẹp đáng kể hoặc trì hoãn.

Những động thái mới nhất của Trung Quốc được xem là sự trả đũa cụ thể chống lại kế hoạch cắt giảm khí thải mà Liên minh châu Âu (EU) đề ra, bao gồm cả khí thải hàng không. Theo kế hoạch của châu Âu đề ra, bắt đầu từ tháng 1.2012, các hãng hàng không bay đến hoặc đi tại các sân bay thuộc EU đều phải mua các hạn mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên mức quy định và phải chịu một khoản phạt lớn nếu không tuân thủ.

Không riêng Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nga cũng chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch trên của EU. Hôm thứ ba tuần trước (21.6.2011), các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối lần đầu tiên kế hoạch của EU trong cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp Hoa Kỳ – châu Âu, tại Oslo, Na Uy.

Ủy ban hỗn hợp Hoa Kỳ – châu Âu, được thành lập từ một hiệp ước hàng không giữa hai bên vào năm 2007, là một diễn đàn quan trọng để thảo luận về các vấn đề liên quan đến ngành hàng không. Hoa Kỳ đã công khai chống đối kế hoạch trên trong suốt hai năm qua. Các quan chức Hoa Kỳ cho rằng quyết định trên của EU là tiếp cận đơn phương và vi phạm các điều ước quốc tế, xâm phạm quyền tài phán của các quốc gia khác. Một số hãng hàng không của Hoa Kỳ cũng đã nộp đơn kiện EU về kế hoạch trên. Các hiệp hội hàng không từ châu Âu đến châu Á và ngay cả hãng Airbus cũng chỉ trích kế hoạch trên. Tuy vậy, EU vẫn tái khẳng định sẽ không thay đổi kế hoạch đã đề ra.

Ngô Minh Trí (tổng hợp) – Sài Gòn Tiếp Thị Online 27.06.2011

RỔ HÀNG HÓA CỦA GIỚI THƯỢNG LƯU ANH CŨNG TĂNG GIÁ

London là nơi đang thu hút giới siêu giàu, gây ra ảnh hưởng đối với giá cả. (ảnh: Internet)

Chi phí sinh hoạt của đời sống thượng lưu ở London đã tăng rõ rệt trong năm qua, khi chỉ số lạm phát của các hàng hóa và dịch vụ xa xỉ quay trở lại với mức độ trước suy thoái.

Giá xa xỉ phẩm tăng nhanh

Giá cả của các loại đồ chơi, bất động sản và các thú chơi xa xỉ dành cho giới siêu giàu ở thủ đô của xứ sở sương mù đang tăng trung bình khoảng 6%. Đó là giá thuê nhà tại các khu vực được nhiều người ao ước nhất tại London đã tăng 6,7%, các loại rượu hảo hạng tăng 26,7%, giá cả các buổi bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật tăng 10,5%. Rượu sâm banh tăng giá 8,2% và phí thành viên các câu lạc bộ polo tăng 17,6%.

Không những thế, lạm phát thực tế của hàng hóa và dịch vụ xa xỉ có thể còn cao đến 7,5%, nếu không có những thay đổi trong tỷ giá hối đoái. Đồng bảng Anh tăng giá so với USD đã giúp hạn chế phần nào sự gia tăng chi phí của giới siêu giàu, vì nhiều dịch vụ, ví dụ dịch vụ cho thuê du thuyền, đã được tính bằng giá USD.

Tuy nhiên, không phải mọi vật giá xa xỉ đều tăng. Nhà hàng sang trọng, quần áo được thiết kế riêng và học phí chỉ tăng nhẹ, trong khi xe hơi sang chỉ tăng giá 4 – 5%, tương đương với mức tăng giá chung.

“Rổ hàng hóa” của giới thượng lưu

Do bản chất riêng của hàng hóa xa xỉ là sự cần thiết sử dụng khác với các hàng hóa thông thường, nên chỉ số giá của hàng hóa xa xỉ thường có nhiều biến động hơn so với các hàng hóa tiêu chuẩn. Ví dụ như từ mức giảm phát 4% trong giai đoạn 2008 – 2009, hàng hóa xa xỉ đã quay trở lại mức lạm phát 0,6% trong giai đoạn 2009 – 2010.

Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát của hàng hóa và dịch vụ xa xỉ cũng phản ánh tình trạngLondonlà nơi đang thu hút giới siêu giàu, gây ra ảnh hưởng đối với giá cho thuê nhà, mua bán đấu giá. Ronnie Armist, giám đốc điều hành của Stonehage Investment Partners nói: “Nhiều của cải được tạo ra từ Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, đang tìm đường đến Anh và điều đó tạo ra ảnh hưởng lên giá cả vì mức độ nhu cầu”.

Tính toán chỉ số giá hàng hóa xa xỉ Salli được thực hiện bởi Stonehage Investment Partners, dựa theo phương pháp của Geoffrey Wood thuộc trường kinh doanh Cass. Chỉ số Salli được tính toán dựa trên rổ bao gồm khoảng 50 loại sản phẩm và dịch vụ khác nhau, chia thành sáu nhóm. Mức độ ảnh hưởng của từng sản phẩm trên rổ hàng hóa dựa trên cơ sở sử dụng trung bình.

Một trong sáu nhóm là hàng hóa tiêu dùng, bao gồm: trứng cá muối Beluga, xì gà Cohiba Siglo V, chỉ số rượu hảo hạng Liv-ex 100 (chỉ số giá của 100 loại rượu vang hảo hạng nhất trên thị trường). Nhóm hàng tiêu dùng này đã tăng 18%. Một nhóm khác là nhóm sản phẩm giải trí và văn hóa, chẳng hạn như phí thành viên câu lạc bộ Walbrook, giá vé cao cấp của nhà hát Opera hoàng gia, nhóm này đã tăng giá 10,3%. Hai nhóm gồm chi phí nhà ở và chi phí sinh hoạt gia đình, bao gồm giá thuê nhà ở Kensington và Chelsea, học phí của trường Westminster và phí trị bệnh tại Botox, tăng 5,7% trên tổng thể.

Ngô Minh Trí (theo Financial Times) – Sài Gòn Tiếp Thị Online 20.06.2011

TỔNG THỐNG MỸ CÔNG DU CHÂU ÂU: “HẤP HÔN” MỐI DUYÊN CŨ

Uống cạn vại bia đen Guinness tại một quán bar địa phương, ông Obama đã lấy điểm người dân Ireland và cả người Mỹ gốc Ireland. Ảnh: Forbes

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang có chuyến công du sáu ngày đến châu Âu với nỗ lực “hấp hôn” lại mối quan hệ hai bờ Đại Tây Dương

“Uỷ lạo” bằng cội rễ

Theo Wall Street Journal, chuyến thăm của TT Obama đến Ireland đã tạo ra một hiệu ứng tác động mạnh mẽ đến Ireland, khi đất nước này đang đứng bên bờ vực suy thoái kinh tế và đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ đến Ireland trong hơn một thập niên qua. Tại Ireland, mặc dù thời tiết không được thuận lợi, ông Obama vẫn đáp trực thăng đến thăm ngôi làng Moneygall, nơi được cho là cụ cố tổ bên ngoại của tổng thống Obama đã sống trước khi di dân đến Hoa Kỳ 160 năm trước. Ông Obama cũng gặp mặt những người họ hàng xa còn sống ở đây và đến thăm các địa điểm công cộng tại địa phương. Khi nhìn thấy tổng thống Barack Obama uống hết một vại bia đen Guinness tại một quán bar địa phương đầy vẻ thích thú, Christy O’Sullivan, một viên chức chính phủ Ireland, đã thốt lên: “Tổng thống đã thực sự chén sạch vại bia của mình. Ông đã có được phiếu bầu của tôi”. Quả thực, tổng thống Obama đã tạo ra một không khí thân tình đối với người dân địa phương.

Việc kiến tạo một hình ảnh gần gũi hơn với Ireland còn tạo ra cơ hội để ông Obama thu hút phiếu bầu trong lần bầu cử tổng thống tiếp theo khi có 35 đến 40 triệu dân Mỹ có nguồn gốc từ Ireland, mặc dù dân số Ireland hiện nay chỉ vào khoảng 4,5 triệu người.

Và nỗ lực làm ấm quan hệ với châu Âu

Khi mới nhậm chức tổng thống, ông Obama từng khiến cho cựu lục địa nghi ngờ về mối quan hệ giữa châu Âu với Hoa Kỳ khi tuyên bố rằng: “Tôi là tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Hoa Kỳ”. Cho nên, nỗ lực trên của tổng thống Obama được xem như một bước đi khẳng định rằng quan hệ của hai bờ Đại Tây Dương vẫn rất gần gũi, ông cũng có dòng máu của người châu Âu.

Trong nỗ lực trên, Anh là điểm đến tiếp theo, kéo dài hai ngày của ông Obama trong chuyến công du thứ tám đến châu Âu trong cương vị tổng thống Mỹ. Theo hãng thông tấn AP, nhiệm vụ của TT Obama là để trấn an nước Anh và phần còn lại của châu Âu rằng đồng minh truyền thống vẫn có vai trò trung tâm trong chính sách ngoại giao của Mỹ, vốn dĩ đang tập trung nhiều vào châu Á và các nền kinh tế mới nổi.

Thứ tư 25.5.2011, Barack Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên phát biểu với các nghị sĩ Anh từ cung điện lịch sửWestminster. Theo kế hoạch, tổng thống Mỹ Obama và thủ tướng AnhCameroonsẽ thảo luận nhiều chủ đề liên quan đếnAfghanistan,Libya, chống khủng bố và kinh tế toàn cầu. Ông Obama cũng thắt chặt hơn mối quan hệ với hoàng gia Anh khi sẽ tham gia một loạt các cuộc gặp gỡ và yến tiệc với các thành viên hoàng gia, có cả cặp đôi mới kết hôn là hoàng tử William và công nương Kate.

Trong điểm dừng chân tiếp theo là hội nghị G8 diễn ra tại Pháp, tổng thống Obama và lãnh đạo các nước châu Âu sẽ tham gia một cuộc thảo luận không có trong nghị trình chính thức để bàn về lãnh đạo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong tương lai. Chắc chắn, châu Âu vẫn rất cần sự ủng hộ của Hoa Kỳ để đảm bảo cho vị trí lãnh đạo IMF thuộc về châu Âu.

Điểm dừng chân cuối cùng của tổng thống Obama là Ba Lan, nước mà Hoa Kỳ đang xem là một cửa ngõ quan trọng để mở rộng ảnh hưởng ra khu vực Đông Âu bằng hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang xây dựng. Năm ngoái, tổng thống Obama đã có kế hoạch đến Ba Lan dự lễ tang của cố tổng thống Lech Kaczynski bị thiệt mạng trong một tai nạn máy bay, nhưng điều kiện thời tiết đã khiến chuyến đi bị huỷ bỏ.

Ngô Minh Trí (tổng hợp) – đăng trên SGTT Online

MỸ CẮT GIẢM THÂM HỤT NGÂN SÁCH: BẤT ĐỒNG SÂU SẮC

Ông Obama cam kết duy trì chính sách về y tế, trái với kế hoạch của đảng Cộng hoà muốn cắt giảm chi tiêu cho chính sách này (Ảnh: AP)

Kế hoạch cắt giảm ngân sách mới công bố của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã bị chỉ trích gay gắt từ đảng Cộng hòa, khiến bất đồng giữa hai đảng về ngân sách càng trở nên sâu sắc hơn.

Ngày 13.04 vừa qua, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã có bài phát biểu kéo dài hơn bốn mươi phút tại đại học George Washington. Nội dung của bài phát biểu nói về vấn đề chi tiêu và ngân sách của Hoa Kỳ. Trong đó, tổng thống Obama đã chính thức loan báo một kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách 4000 tỷ USD trong thời gian mười hai năm. Theo kế hoạch, ông Obama sẽ thực hiện cắt giảm chi tiêu khoảng 750 tỷ, cắt giảm ngân sách quốc phòng khoảng 400 tỷ, cải cách chính sách thuê và tiếp tục các cải cách y tế để tiết kiệm cho ngân sách.

Obama “tấn công bất ngờ”

Trước khi Obama loan báo kế hoạch của mình, đảng Cộng hòa đã đề xuất một kế hoạch khác để cắt giảm thâm hụt ngân sách, tác giả là nghị sỹ Paul D. Ryan của bang Wiscosin kiêm chủ tịch Ủy ban ngân sách hạ viện, trị giá 4.400 tỷ USD trong thời gian mười năm. Kế hoạch của đảng Cộng hòa không chỉ có mức độ cắt giảm sâu hơn, nhanh hơn mà còn có nhiều khác biệt so với kế hoạch của tổng thống Obama. Hai khác biệt lớn nhất chính là vấn đề cải cách chính sách y tế và chính sách thuế.

Thế nên, trong bài phát biểu loan báo kế hoạch của mình, tổng thống Barack Obama cũng lên tiếng chỉ trích kế hoạch của đảng Cộng hòa. Ông Obama cho rằng kế hoạch cải tổ chính sách  y tế của đảng Cộng hòa sẽ cắt giảm ngân sách bằng cách bắt những người già và người nghèo trả tiền cho các dịch vụ y tế, trong khi kế hoạch của ông sẽ cắt giảm bằng cách cắt giảm chi phí trong chi tiêu của lĩnh vực y tế và sức khỏe. Theo ông Obama, chính sách cải cách y tế của ông sẽ giảm bớt các khoản trợ cấp lãng phí và các thanh toán không chính xác.

Bàn về chính sách thuế, Obama cho rằng: “Trong tháng mười hai vừa qua, tôi đồng ý gia hạn cắt giảm thuế cho những người Mỹ giàu có nhất bởi vì đó là cách duy nhất tôi có thể ngăn chặn việc tăng thuế của những người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu”. Vì thế, tổng thống Obama tuyên bố mình sẽ thay đổi để tăng cường đánh thuế người giàu, cắt giảm khấu trừ thuế để có thể đem lại khoản cắt giảm thâm hụt lên đến 1000 tỷ USD trong mười năm.

Sự chỉ trích kế hoạch của tổng thống Obama được Wall Street Journal nhận định là một cuộc “tấn công bất ngờ” vào chính sách của đảng Cộng hòa và của cá nhân thượng nghị sỹ Paul D. Ryan, tổn hại hơn đến hy vọng mong manh về việc hai đảng có thể thỏa thuận được vấn đề ngân sách.

Cộng hòa “phản pháo”

Theo Wall Street Journal, đảng Cộng hòa đã nhanh chóng chỉ trích rằng phát biểu của ông Obama là quá mang tính đảng phái. Phản ứng về phát biểu của tổng thống Obama, Paul D. Ryan cho rằng ông hy vọng hai đảng có thể tìm được tiếng nói chung về việc kiểm soát chi tiêu và cải cách chính sách y tế, nhưng luận điệu “hiếu chiến” của Obama làm cho thỏa thuận trở nên khó khăn hơn. Nghị sỹ Paul D.Ryan cho rằng tổng thống Obama “thay vì xây cầu, ông ấy lại hủy hoại sự tốt đẹp”.

Chủ tịch hạ viện John A. Boehner cũng chỉ trích kế hoạch của ông Obama khi cho rằng kế hoạch của đảng Cộng hòa là “đưa chúng ta vào con đường trả nợ, giúp bảo toàn chăm sóc y tế và trợ giúp y tế trong tương lai”, nhưng “tôi không nghe thấy một kế hoạch phù hợp như thế từ tổng thống Obama”. Không dừng lại ở đó, theo New York Times, ông John A. Boehner còn lặp lại sự đe dọa rằng sẽ không thông qua việc tăng trần nợ công theo đề xuất từ phía Nhà Trắng trừ khi chính phủ đồng ý kiềm chế chi tiêu và thâm hụt.

Trước những bất đồng đang trở nên sấu sắc hơn giữa tổng thống Obama và đảng Cộng hòa, New York Times bình luận rằng: “Kế hoạch nợ của Obama thiết lập một giai đoạn tranh luận dài hơi về vấn đề chi tiêu”.

Ngô Minh Trí – đăng trên SGTT Online

NỢ CÔNG: QUẢ BOM CHỜ THÁO NGÒI

Sau ngân sách, chính phủ của ông Barack Obama lại phải đối mặt với mức trần nợ công (ảnh: SGTT)

Ngày 6.4.2011, Bồ Đào Nha đã phải chính thức lên tiếng kêu gọi trợ giúp tài chính từ Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết khủng hoảng nợ công. Năm ngoái, khi EU ra tay cứu trợ cho Hy Lạp và Ireland thì Bồ Đào Nha đã nằm trong nhóm “nguy cơ vỡ nợ” cùng với Tây Ban Nha, Ý.

Khi đó, EU đã ra sức thực hiện các chính sách “thắt lưng buộc bụng” cùng nhiều biện pháp khác với hy vọng sẽ giảm thâm hụt ngân sách cũng như nợ công của các thành viên trong khối. Thế nên, thực tế của Bồ Đào Nha hiện tại đã chứng minh các biện pháp của EU đã không hiệu quả. Như vậy, nguy cơ về những cuộc vỡ nợ tiếp theo ở EU là hoàn toàn có thể.

Không riêng gì EU, bên kia Đại Tây Dương, nợ công cũng đang trở thành vấn đề nóng tại Hoa Kỳ. Theo bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Timothy Geithner thì nợ công của Hoa Kỳ sẽ đụng mức trần cho phép 14.294 tỉ USD trước ngày 16.5.2011. Ông Geithner đã phải khẩn thiết kêu gọi quốc hội nhanh chóng cho phép nâng mức trần nợ công. Thế nhưng, trong lưỡng viện Hoa Kỳ, người thì phản đối nâng trần nợ công, người thì đòi hỏi nâng trần nợ công phải đi kèm với việc cắt giảm chi tiêu. Mặc dù cuộc tranh luận tỏ ra rất gay gắt, nhưng rồi quốc hội cũng sẽ phải nâng trần nợ công, bởi nếu không nâng trần nợ công thì Hoa Kỳ lấy đâu ra ngân sách hoạt động, ngay cả khi ngân sách được thông qua, vì nước này đang thâm hụt ngân sách đến 1.400 tỷ USD.

Kể từ năm 1940 đến nay, trần nợ công Hoa Kỳ đã phình to gấp khoảng 300 lần, trần nợ công năm 1940 chỉ có 43 tỉ USD. Nếu tính từ năm 1995, với trần nợ công 4.900 tỉ USD, thì trần nợ công gấp khoảng ba lần cho đến thời điểm này. Cứ như thế, nợ công của Hoa Kỳ ngày càng phình to và nhiều quốc gia trên thế giới cũng vậy.

Một nguyên tắc tất yếu là không có thứ gì có thể phình to mãi nếu không có những điều kiện phát triển tương xứng. Hoa Kỳ, các thành viên EU cùng nhiều quốc gia trên thế giới đang có nợ công phình to với mức độ cao hơn nhiều so với sự tăng trưởng. Hơn thế nữa, khi nợ công cứ tăng nhanh sẽ làm cho lãi suất tăng cao khiến cho hiệu quả đầu tư để tăng trưởng sẽ lại càng giảm đi.

Cho nên, viễn cảnh về việc “bể bong bóng nợ công” là rất rõ ràng. Khi ấy, hậu quả là khủng khiếp. Mới đây, ông Timothy Geithner cảnh báo rằng nếu Hoa Kỳ vỡ nợ vì nợ công đụng trần thì việc vỡ nợ sẽ tạo ra cuộc “không thể tưởng tượng nỗi”. Quả thực, nếu Hoa Kỳ vỡ nợ thì một hiệu ứng domino dễ dàng xảy ra và một cuộc vỡ nợ lan rộng sẽ là thảm họa của thế giới.

Trung Quốc đang lo ngại vì nước này đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với con số lên đến 1.175 tỉ USD, nhưng Trung Quốc cũng không thể không tiếp tục cho Mỹ vay nợ. Nếu Trung Quốc không tiếp tục cho Hoa Kỳ vay thì kinh tế nước này cũng lao đao vì Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào việc bán hàng cho Mỹ.

Cứ như thế, nợ công như một quả bom đe dọa kinh tế toàn cầu đang chờ được tháo ngòi

Ngô Minh Tríđăng trên Sài Gòn Tiếp Thị Online

 

AI CẬP: SỰ THAY ĐỔI MUỘN MÀNG

Người dân Ai Cập vui mừng khi ông Mubarak từ chức (ảnh: Reuters)

Những bất ổn chính trị thường luôn đồng hành cùng bất ổn kinh tế. Thế nên, sự thoái vị của ông Hosni Mubarak cũng là kết quả của sự tích tụ lâu dài những bất ổn của nền kinh tế Ai Cập. Đó còn là bài học về những thay đổi muộn màng.

Ngay sau khi ông Ben Ali phải tháo chạy khỏi Tunisia, người ta bắt đầu nhắc đến những ảnh hưởng có thể lan rộng của sự kiện đó. Nhiều nước lân cận ở Trung Đông lẫn châu Phi được xem là khu vực có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khi đó, đài BBC có nói đến danh sách một số quốc gia có các lãnh đạo “cao niên” đã và đang cầm quyền nhiều năm nay; trong số đó ông Hosni Mubarak trở thành “ứng viên sáng giá” cho khả năng phải rời khỏi đỉnh cao quyền lực, bởi vấn đề kinh tế đang trở thành thử thách to lớn mà bản thân ông khó có thể vượt qua được.

Thực ra, bản thân cựu tổng thống Hosni Mubarak đã nhìn thấy được những bất ổn kinh tế đang ngày càng thể hiện rõ hơn trong nền kinh tế AI Cập. Tháng 12-2010, sau khi đảng NDP của ông Mubarak chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội, ông Mubarak đã đăng đàn hứa hẹn sẽ giúp cho kinh tế Ai Cập đạt mức tăng trưởng 8% trong 5 năm tới, mức tăng trưởng mà Ai Cập từng đạt được trước cơn khủng hoảng toàn cầu. Có thể, mức tăng trưởng mà ông Mubarak hứa hẹn không quá xa so với con số 4,7% của năm 2009 và 5% của năm 2010 hay mức tăng trưởng năm nay được dự báo là 6%, nhưng bất ổn của nền kinh tế Ai Cập không chỉ đơn giản là con số tăng trưởng.

Cuối tháng 1-2011, hãng Moody’s đã chính thức hạ bậc tín nhiệm nợ của Ai Cập từ mức BA1 xuống thành BA2, và đánh giá tình trạng của Ai Cập từ mức “ổn định” xuống còn “tiêu cực”. Đó không chỉ là kết quả của việc người dân Ai Cập bắt đầu xuống đường phản đối chính phủ của ông Mubarak mà vì nhiều nguyên nhân khác. Cho đến tháng 6-2010, tổng số nợ công của Ai Cập đã lên mức 1.080 tỉ bảng Ai Cập (khoảng 183,7 tỉ đô la Mỹ), tương đương 89,5% GDP. Không chỉ thế, đến cuối năm 2010, Ai Cập bị thâm hụt ngân sách lên đến 8% GDP. Lạm phát ngày càng tăng nhanh với mức 10%, đặc biệt  là giá thực phẩm tăng đến 17%. Tỷ lệ thất nghiệp 10% được chính quyền Mubarak công bố cũng bị nhiều người nghi ngờ, một số kinh tế gia cho rằng tỷ lệ thất nghiệp thực tế có thể lên đến 25%.

Lạm phát tăng nhanh làm tăng gánh nặng cho dân chúng Ai Cập với số lượng người nghèo đang ở mức cao. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, có đến 40% dân số Ai Cập đang sống dưới mức nghèo, tức có mức sống dưới 2 đô la Mỹ mỗi ngày và thu nhập trung bình hàng năm của người dân chỉ hơn 2.000 đô la Mỹ. Người nghèo của Ai Cập vốn phụ thuộc vào trợ cấp lương thực, nhiên liệu và các mặt hàng khác, có thể phải cần khoản trợ cấp lên đến 17,4 tỉ đô la Mỹ – một con số khổng lồ mà trong bối cảnh hiện tại của Ai Cập, chính quyền khó có thể đảm đương.

Rõ ràng, khi tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, những kiềm hãm về chính trị với mức độ dân chủ thấp, thì những thay đổi nếu có sẽ là rất giới hạn. Chính vì thế, những hứa hẹn của ông Mubarak về con số 8% tăng trưởng đã không đủ sức thuyết phục người dân. Cuộc xuống đường của hàng trăm nghìn người đã trở thành một hệ quả tất yếu, nhất là khi nó được tiếp sức bởi những thay đổi mới vừa diễn ra ở Tunisia.

Không chỉ thế, cái giá của cuộc xuống đường phản đối cũng đã khiến cho người dân Ai Cập không còn được phép rút lui, bởi nền kinh tế đã bị tác động nghiêm trọng. Phí tổn mà nền kinh tế Ai Cập phải gánh chịu từ cuộc biểu tình, do Ngân hàng đầu tư Credit Agricole tính toán, lên đến 310 triệu đô la Mỹ mỗi ngày. Thị trường chứng khoán Ai Cập mất 20% giá trị chỉ sau hai ngày đầu của cuộc biểu tình. Mức tăng trưởng 6% dự báo trong năm nay cũng bị hạ xuống chỉ còn 3,7%, đồng bảng Ai Cập dự báo sẽ mất giả đến khoảng 20%. Ngành du lịch Ai Cập bị tê liệt trong nhiều ngày và có thể sẽ còn tiếp tục ngưng trệ, trong khi ngành du lịch của nước này đạt doanh thu đến 11,6 tỉ đô la Mỹ trong năm 2009 và sử dụng 12% lực lượng lao động. Các hoạt động vận chuyển qua kênh đào Suez, vốn đem lại giá trị không nhỏ, cũng rơi vào tình trạng tê liệt, nhiều hãng vận chuyển đã tạm ngưng hoạt động tại Ai Cập. Nhiều chuyên gia kinh tế còn nhận định nền kinh tế Ai Cập đang đi vào tình trạng tê liệt hoàn toàn.

Cho nên, quyết tâm đạt được mục đích của những người biểu tình càng cao hơn khi cái giá mà họ phải trả đã quá lớn. Khi người dân xuống đường không còn đường lui thì ông Mubarak phải ra đi trở thành điều tất yếu kế tiếp, những cam kết thay đổi mà ông Mubarak đề ra đã trở nên quá muộn màng.

Những gì vừa diễn ra tại Ai Cập là một bài học cho mọi chính phủ. Đó là chính quyền cần phải có những thay đổi kịp thời để đảm bảo cho sự phát triển cũng như cuộc sống của người dân. Khi người dân không còn tin tưởng thì những thay đổi nếu có cũng trở nên quá muộn màng và chính quyền dù mạnh đến đâu, như đảng NDP của ông Mubarak chiếm đến 90% quốc hội, cũng sẽ phải sụp đổ.

Ngô Minh Tríđăng trên TB.KTSG Online 16.02.2011

NÓNG DẦN NGUY CƠ CHIẾN TRANH TIỀN TỆ

Nhiều ý kiến cho rằng nguy cơ về một cuộc chiến tranh tiền tệ ngày càng rõ ràng hơn. Ảnh: internet

Sau cảnh báo của bộ trường tài chính Brazil Guido Mantega, nguy cơ chiến tranh tiền tệ đang ngày càng nóng hơn. Trong đó, châu Á đang được xem như tâm điểm có thể khơi mào một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Nguy cơ tăng cao

Tuần trước, bộ trưởng tài chính Brazil Guido Mantega nói rằng thế giới đang ở trong một “cuộc chiến tranh tiền tệ quốc tế”, ông Mantega cho rằng chính phủ các nước đang thao túng tiền tệ để tăng cường khả năng cạnh tranh. Người đầu tiên chính thức tỏ ý xem nhẹ cảnh báo trên là giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss- Kahn. Ông Strauss-Kahn phát biểu: “Tôi không cảm thấy hôm nay có một nguy cơ lớn cuộc chiến tranh tiền tệ, mặc dù đó là điều mà người ta đã viết ra” và ông cho rằng đó là nguy cơ rất thấp.

Có thể, vị trí đứng đầu một định chế tài chính quốc tế khiến cho ông Strauss – Kahn phải phát biểu thận trọng nhằm trấn an thị trường tài chính toàn cầu. Nhưng chỉ mấy ngày sau, trong một hội nghị kinh tế ở Yalta, Ukraine, ông Strauss- Kahn đã lên tiếng kêu gọi các nền kinh tế lớn nên hợp tác cùng nhau để tránh xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ. Ông Strauss-Kahn đã nhìn nhận nhiều hơn về một nguy cơ như thế. Sự thay đổi trong đánh giá của người đứng đầu IMF cho thấy nguy cơ về một cuộc chiến tranh tiền tệ ngày càng rõ ràng hơn.

Nguy cơ rõ ràng hơn là điều không quá khó thấy trong bối cảnh hiện nay. Không riêng gì Mỹ – Trung, châu Âu cũng quyết liệt chỉ trích Nhật Bản khi nước này đơn phương can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm kìm đà tăng giá của đồng Yên vì lo ngại đồng Yên tăng giá sẽ làm tê liệt nền xuất khẩu Nhật Bản. Chính vì điều này, nhiều người cho rằng sẽ mở ra một tiền lệ can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu. Không chỉ bơm hơn 23 tỷ USD hạ nhiệt đồng Yên, chính phủ Nhật còn tuyên bố sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản một lần nữa xuống còn 0%, quyết định này sẽ làm tăng nguồn cung tiền trên thị trường Nhật Bản và sẽ khiến cho đồng Yên giảm giá.

Bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản thì một loạt danh sách các nền kinh tế mới nổi khác cũng xem chính sách tiền tệ là công cụ quan trọng. Đài Loan trong năm qua cũng cố gắng kiềm chế không cho đồng tiền của mình tăng nhiều hơn 2% so với USD nhằm đảm bảo khả năng xuất khẩu. Hàn Quốc cũng hành động tương tự, hay các quốc gia Mỹ Latinh như Peru và Columbia cũng không ngần ngại thực hiện phương thức trên.

Ngay cả Brazil, nước đã lên tiếng cảnh báo về cuộc chiến tranh tiền tệ, cũng tuyên bố sẽ chính thức can thiệp vào thị trường tài chính của mình, việc có thể làm hạ giá đồng Real nước này. Lâu nay, Brazil đã giữ mức lãi suất cao nhằm hạn chế lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế phát triển quá nóng. Nhưng chính vì lãi suất cao nên giới đầu tư tài chính nước ngoài đã chuyển vốn từ các nước có lãi suất thấp vào đầu tư tại Brazil. Thời gian qua, đồng Real đã tăng hơn 30% so với USD khiến cho xuất khẩu nước này hết sức lao đao. Lần này, khi Brazil can thiệp chống giới đầu cơ tài chính có thể khiến cho đồng real của nước này sẽ hạ nhiệt. Hàn Quốc, Ấn Độ và Thái Lan cũng đang đề cập đến việc can thiệp tương tự. Mới đây, Hoa Kỳ cũng tỏ ý sẽ thực hiện chính sách nới rộng tiền tệ, điều đó có thể khiến cho USD lại giảm giá so với các đồng tiền khác. Sự ăn miếng trả miếng đang diễn ra rất rõ ràng trong chính sách tiền tệ của các quốc gia.

Đe dọa bất ổn cho kinh tế toàn cầu

Thứ tư 6.10 vừa rồi, các lãnh đạo các chính phủ phương Tây một lần nữa cảnh báo Trung Quốc và các thị trường mới nổi rằng việc các nước này làm suy yếu đồng tiền của mình có thể làm chệch hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Timothy Geithner cho rằng các nước có thặng dư thương mại lớn nên để cho đồng tiền tăng giá, ông nói thêm: “Khi các nền kinh tế lớn vẫn định giá đồng tiền thấp đi, điều đó có thể khuyến khích các nước làm theo”. Ông Strauss-Kahn cũng lên tiếng cho rằng việc sử dụng tỷ giá hối đoái “như một vũ khí chính sách” sẽ “đại diện cho một nguy cơ rất nghiêm trọng cho sự phục hồi của kinh tế thế giới”.

Nguy cơ mà ông Strauss Kahn đề cập đó là gì? Trước hết chính là việc làm tăng cường chủ nghĩa bảo hộ giữa các quốc gia. Các quan chức trên khắp thế giới lo ngại một cuộc đua giảm giá tiền tệ có thể kích hoạt việc hình thành các loại thuế thương mại cũng như những biện pháp bảo hộ gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu. Mới đây nhất, hạ viện Hoa Kỳ đã chính thức thông qua đạo luật đánh thuế cao dành cho sản phẩm của các nước được hỗ trợ giá nhờ chính sách tiền tệ, mục tiêu nhằm chống lại việc Trung Quốc đã định giá thấp đồng tiền của mình. Phản ứng với điều này, Trung Quốc đã áp thuế cao lên thịt gà và phụ tùng ô tô nhập từ Mỹ. Đây chỉ mới là bắt đầu, người ta lo ngại việc trả đũa qua lại giữa hai bên sẽ còn căng thẳng hơn nữa trong thời gian tới.

Với những bất đồng như thế, người ta có quyền lo ngại một cuộc xung đột tiền tệ sẽ khơi mào không chỉ một cuộc chiến tranh tiền tệ mà có thể là cả một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.

Ngô Minh Trí Sài Gòn Tiếp Thị Online

CHÂU ÂU E DÈ ĐỒNG NHÂN DÂN TỆ

Thủ tướng Ôn Gia Bảo (trái) dự cuộc họp thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) tại Brussels ngày 5.10.2010. Ông đang chịu sức ép từ EU đòi Trung Quốc nâng giá đồng nội tệ hơn nữa (ảnh: Reuters)

Mặc dù Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo mang đến châu Âu lần này khá nhiều lời hứa hợp tác với châu Âu, nhưng trước vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ, Liên minh châu Âu (EU) vẫn liên tục thúc giục Trung Quốc phải tăng giá đồng Nhân dân tệ.

Kết hợp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM) lần thứ 8, và hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – EU lần thứ 13 tại thủ đô Brussels, Bỉ, ông Ôn Gia Bảo đã thăm chính thức Hy Lạp, Ý, và Thổ Nhỉ Kỳ.

Lời hứa tiền tệ

Ngay khi đặt chân đến Athen (Hy Lạp), thủ tướng Ôn Gia Bảo mang đến một đề nghị khá hấp dẫn: Bắc Kinh sẽ mua thêm một lượng lớn trái phiếu chính phủ của Hy Lạp để bơm vốn cho nước này. Ông Ôn Gia Bảo cũng tuyên bố sẽ thành lập một quỹ trị giá 5 tỉ USD giúp các công ty vận tải Hy Lạp mua tàu của Trung Quốc. Ông còn hứa hẹn việc khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Hy Lạp, và dự đoán rằng kim ngạch thương mại giữa hai bên sẽ tăng gấp đôi, đạt mức 8 tỉ USD sau 5 năm nữa. Năm ngoái, Trung Quốc đã xuất khẩu sang Hy Lạp giá trị hàng hóa lên đến 3,04 tỉ Euro, nhưng chỉ nhập khẩu từ Hy Lạp 93 triệu Euro.

Nhiều người cho rằng, có thể ông Ôn Gia Bảo sẽ tuyên bố điều tương tự khi đến Ý và Thổ Nhĩ Kỳ, bởi hai nước này cũng là hai “chúa chổm” ở châu Âu. Tại ASEM, ông Ôn Gia Bảo đã tuyên bố sẽ hậu thuẫn để đồng Euro được ổn định: “Chúng tôi sẽ không cắt giảm trái phiếu của các chính phủ châu Âu trong danh mục đầu tư ngoại hối của mình”.

Đây không phải lần đầu tiên thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố điều này. Tháng bảy năm nay, khi thủ tướng Đức Angela Merkel thăm chính thức Trung Quốc, ông cũng đã cam kết với Đức rằng Trung Quốc sẽ vẫn đa dạng hóa danh mục đầu tư, tức bao gồm cả trái phiếu của EU, bất chấp khủng hoảng tài chính lan rộng ở khu vực này. Tương tự, trước khi tuyên bố mua thêm trái phiếu Hy Lạp, Trung Quốc cũng đã mua 400 triệu Euro trái phiếu của chính phủ Tây Ban Nha, và có dấu hiệu sẽ mua nhiều hơn nữa.

Sự e dè của châu Âu

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc không ngừng có động thái thắt chặt quan hệ với EU trong vấn đề tài chính tiền tệ. Đầu năm nay, Trung Quốc đã đứng cùng phía với châu Âu và IMF để kêu gọi đa dạng hóa danh mục ngoại tệ dự trữ và hình thành một rổ gồm nhiều loại tiền tệ dự trữ. Sau đó, phó thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc lại được bổ nhiệm vào vị trí cố vấn cao cấp cho ông Dominique Strauss – Kahn, giám đốc quỹ Tiền tệ quốc tế IMF.

Tuy vậy, châu Âu vẫn lo ngại về việc đồng Nhân dân tệ được định giá thấp đi. Trước khi chính thức gặp gỡ thủ tướng Ôn Gia Bảo, người phát ngôn của hội đồng bộ trưởng tài chính EU, ông Guy Schuller từng phát biểu: “Chúng tôi tin rằng đồng nhân dân tệ được định giá thấp hoàn toàn”.

Cùng với ông Jean Clauder Juncker, chủ tịch Hội đồng bộ trưởng tài chính EU, hai nhà hoạch định chính sách hàng đầu châu Âu là chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu Jean Clauder Trichet và ông Olli Rehn, cao ủy phụ trách về vấn đề kinh tế và tiền tệ EU, đã có cuộc gặp gỡ với ông Ôn Gia Bảo. Cả ba đều hoan nghênh việc Trung Quốc đã có những thay đổi trong việc định giá đồng Nhân dân tệ, nhưng họ đều cho rằng Trung Quốc chưa hành động đủ. Ông Rehn còn tuyên bố: “Nếu đồng Euro tiếp tục gánh chịu sự mất cân đối trong việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái toàn cầu, thì sự phục hồi của các nền kinh tế trong khu vực đồng Euro sẽ bị suy yếu”. Đây chỉ mới là cuộc gặp gỡ trước hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – EU và nhiều chuyên gia tin rằng Trung Quốc sẽ còn chịu sức ép lớn hơn nữa về vấn đề tỷ giá Nhân dân tệ khi bước vào hội nghị.

Ngô Minh Trí – Sài Gòn Tiếp Thị Online

 

NHẬT BẢN: KINH TẾ NỔI CHÌM THEO ĐỒNG YÊN

Đồng yen tăng giá sẽ ảnh hưởng không tốt cho nền kinh tế Nhật vốn dựa vào xuất khẩu. Ảnh: AFP

Trong khi nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, Nhật Bản lại đang gặp bài toán khó về tỉ giá đồng yen. Chính phủ nước này đã tuyên bố sẽ thực hiện các giải pháp để hạn chế việc đồng yen tăng giá.

Hiện tại, tỷ giá USD/yen đạt mức xấp xỉ 84 yen đổi 1 USD, đồng nghĩa với việc đồng yen đã tăng giá so với USD cao nhất trong 15 năm qua. Tỷ giá USD/yencách đây hai năm, thời điểm tháng 09.2008, khoảng 107 yen đổi 1 USD. Tức chỉ trong vòng hai năm, yen đã tăng giá hơn 27% so với USD. Đồng yen tăng quá cao khiến cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi giảm đi sự cạnh tranh so với các nhà xuất khẩu của các nước khác. Không chỉ riêng gì các nhà xuất khẩu, một số chính trị gia như Yosuke Kondo, nghị sĩ hạ viện phụ trách bộ kinh tế, tỏ ra lo ngại cho nền kinh tế. Ông Kondo cảnh báo: “Tôi nghĩ rằng mức hiện hành là bất thường và cực kỳ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp”.

Trước nhiều áp lực, nhất là trong tình trạng kinh tế đầy u ám như hiện nay, chính phủ đã tuyên bố sẽ thực hiện các giải pháp để hạn chế việc đồng yen tăng giá. Gói giải pháp bao gồm biện pháp: chính phủ sẽ thực hiện gói kích cầu trị giá 10,9 tỉ USD và ngân hàng trung ương sẽ mở rộng các khoản cho vay giá rẻ. Theo kế hoạch, gói kích thích này sẽ được ký duyệt bởi thủ tướng Naoto Kan vào ngày 10.9. Cả hai biện pháp trên đều được công bố vào tuần trước nhưng đến nay vẫn chưa đem lại dấu hiệu lạc quan nào cho nền kinh tế Nhật Bản. Ông Edwin Merner, chủ tịch công ty nghiên cứu đầu tư Atlantis tại Nhật Bản, cho rằng chính sách của Tokyo “có giúp được một ít”. Tuy vậy, ông cũng cho rằng lẽ ra chính phủ nên thực hiện những việc mà họ có thể làm mà không tốn tiền, như cắt giảm thuế hay đảm bảo các khoản vay cho các hợp đồng ở nước ngoài. Sở dĩ chính phủ Nhật Bản đưa ra gói kích cầu khá khiêm tốn bởi hiện nay nợ công của chính phủ đã lên đến 200% so với GDP. Dường như chính phủ Nhật Bản chưa có một động thái nào cho thấy họ sẽ can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền tệ để hạ nhiệt cho đồng yen. Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhật Bản chưa đơn phương can thiệp vào thị trường ngoại hối vì lo ngại những bất đồng từ phía các thành viên của nhóm G8, vốn đang quyết liệt chỉ trích việc Trung Quốc can thiệp vào chính sách tiền tệ để tăng cường sức mạnh xuất khẩu.

Atsushi Mizun, cựu thành viên ban quản trị của ngân hàng trung ương Nhật, nói rằng sự phục hồi chậm của kinh tế Mỹ và châu Âu là một trong những nguyên nhân khiến đồng yen tăng giá. Có thể hiểu đơn giản như sau, người ta vốn quen kỳ vọng nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và EU, còn Nhật thì đã trì trệ suốt hai thập kỷ qua. Thế nên, khi đánh giá thấp đồng USD và Euro đã vô tình làm cho đồng yen tăng giá.

Một nguyên nhân khác được giáo sư Yoshiyasu Ono, thuộc đại học Osaka, chỉ ra là việc Nhật Bản rơi vào vòng luẩn quẩn: khi yen tăng giá, các nhà xuất khẩu lại cắt giảm nhân công, chi phí để cạnh tranh. Nhưng điều đó làm cho nhu cầu trong nước giảm, nhập khẩu giảm. Sự giảm sút của nhập khẩu thì khá lớn, khi đó sự giảm sút của xuất khẩu chưa bao nhiêu. Thế nên, thặng dư thương mại tăng và cứ thế càng làm cho USD giảm giá so với yen.

Ngô Minh Trí (tổng hợp) – đăng trên SGTT