TRUNG QUỐC: DI DÂN THEO DIỆN ĐẦU TƯ TĂNG

Kinh tế Trung Quốc càng phát triển, chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Trong ảnh: bến du thuyền ở Hải Nam. Ảnh: TL

Mới đây, tờ Quan Sát Kinh Tế (Trung Quốc) đã đăng bài viết về việc Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng “chảy máu tài sản” vì những người giàu có di dân khỏi đất nước này do sự “lo lắng thấp thỏm”, cũng như tìm cách “hạ cánh an toàn”. Bài viết đã được Worldcrunch dịch sang tiếng Anh và đã được tạp chí Time đăng lại.

Xu hướng di dân của người giàu

Theo một nghiên cứu mới đây, phần lớn những người Trung Quốc có tài sản cá nhân từ 10 triệu Nhân dân tệ (tương đương 1,53 triệu USD) cho rằng đầu tư vào bất động sản kém hấp dẫn hơn cái mà họ gọi là “di dân đầu tư”, tức di dân theo diện đầu tư. Gần 60% người được phỏng vấn đã cho biết là họ đang xem xét di dân theo diện đầu tư hoặc đã hoàn thành quá trình này. Đó là kết quả trong nghiên cứu của Báo cáo Tài sản cá nhân 2011 được thực hiện bởi Ngân hàng Thương nhân Trung Quốc (China Merchants Bank) và công ty tư vấn kinh doanh Bain & Company. Nghiên cứu cho thấy người càng giàu càng muốn “di dân đầu tư”. Trong số những người có trên 100 triệu tệ, 27% đã sẵn sàng di dân, 47% đang xem xét di dân, tức tổng tỷ lệ lên đến 74%, cao hơn tỷ lệ 60% tính chung cho những người có trên 10 triệu tệ.

Các kết quả nghiên cứu khác cũng góp phần khẳng định xu hướng  di dân của người giàu Trung Quốc là có thật. Theo website chuyên về đầu tư Caixin, tỷ lệ tăng trưởng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã đạt 100% trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2010, tỷ lệ gia tăng số người Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài để di dân sang Hoa Kỳ trong năm năm qua là 73%.

Từ sự “thấp thỏm lo lắng”

Tại sao người giàu có của Trung Quốc lại muốn di dân khỏi một đất nước đang trong giai đoạn trỗi dậy mạnh mẽ?  Câu trả lời thật đơn giản, đó là vì có những thứ không thể mua được bằng tiền, ngay cả đối với những người giàu có nhất.

Những lý do về mặt vật chất bao gồm: luật pháp và các quy định, hệ thống giáo dục, phúc lợi xã hội, thuế thừa kế, chất lượng không khí, môi trường đầu tư, an toàn thực phẩm, sự tự do đi lại… Những lý do về mặt tinh thần khiến cho người giàu Trung Quốc muốn di dân là thiếu cảm giác an toàn cá nhân, bao gồm cả sự an toàn cho tài sản cá nhân cũng như nỗi sợ hãi về một tương lai không chắc chắn.

Như thế, một sự “thiếu hạnh phúc” nào đó khiến cho người giàu Trung Quốc tìm đường di dân. Một kết quả nghiên cứu khác là Khảo sát Thúc đẩy hạnh phúc (Gallop Well-being Survey – GWS)  cũng đã cho kết quả tương tự với Báo cáo Tài sản cá nhân 2011.

Theo khảo sát GWS, hầu hết người dân Trung Quốc cảm thấy chán nản, ngay cả khi nước này đang có tốc độ tăng trưởng cao ngất, mà nhiều nước như Mỹ và Châu Âu chỉ có thể mơ. Theo đó, khi đề nghị những người được khảo sát chọn lựa về tình trạng hiện thời của họ bằng ba chọn lựa: khấm khá, chật vật, đau khổ thì chỉ có 12% là khấm khá, có đến 71% là chật vật, 17% là đau khổ. Tỷ lệ người được hỏi cho rằng cuộc sống họ đang khấm khá chỉ ngang bằng với tỷ lệ củaAfghanistan,Yemen. Tỷ lệ  cảm thấy đang “chật vật” cũng tương tự vớiHaiti,AzerbaijanvàNepal. Người nghèo thì than vãn, người giàu thì bỏ đi.

Đến “hạ cánh an toàn”

Năm ngoái, một phụ nữ Trung Quốc đã di dân sang Canada, khi được International Herald Tribune hỏi về lý do di dân, dù trả lời rằng cô lo ngại trường hợp nhiễm độc sửa như vụ Sanlu, thì người này cũng thừa nhận rằng di dân còn là vì “hận thù chống lại người giàu”. Người này nêu bật rằng khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng hơn, người nghèo cũng phàn nàn nhiều hơn, người giàu thì bồn chồn hơn. Một số người giàu thậm chí còn lo lắng về “việc tái phân phối tài sản có thể bắt đầu trở lại”.

Cái gọi là “nguồn gốc tội lỗi của sự giàu có” không phải hoàn toàn không có cơ sở, nó thường rất khó để người giàu ngừng làm giàu cho bản thân. Một khi họ nhận ra điều này, họ thường chọn giải pháp trốn tránh bằng cách di dân và bắt đầu lại từ đầu.

Ngô Minh Trí (lược dịch) – đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị 27.06.2011

Giới thiệu Ngô Minh Trí
Ngô Minh Trí Saigon - Vietnam

3 Responses to TRUNG QUỐC: DI DÂN THEO DIỆN ĐẦU TƯ TĂNG

  1. Pingback: Tin thứ Ba, 28-6-2011 « BA SÀM

  2. Pingback: Tin thứ Ba, 28-6-2011 Của ANHBASAM | phamdinhtan

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Ba, 28-6-2011 | bahaidao

Bình luận về bài viết này